Home Khám Phá Những Nguyên Tắc Kinh Doanh Của Người Do Thái – Phần Cuối

Những Nguyên Tắc Kinh Doanh Của Người Do Thái – Phần Cuối

0
Những Nguyên Tắc Kinh Doanh Của Người Do Thái – Phần Cuối

Những Nguyên Tắc Kinh Doanh Của Người Do Thái 

Phần Cuối

15.Khi nào không bố thí là cách giúp tốt nhất

Có tám mức độ khác nhau của sự thương xót, mỗi mức sau lại cao hơn mức trước. Mức độ thương xót cao hơn cả – là giúp cho một người Do-thái nghèo khó bằng quà tặng, cho mượn tiền, tạo việc làm cho, hoặc là cho anh ta được có cổ phần trong công việc kinh doanh của mình – tóm lại là làm sao để cho người đó không còn cần phải nhờ người khác giúp nữa.

Nhiều người tưởng rằng học thuyết nổi tiếng của Mai-mô-nid về mức độ cao cả nhất của sự thương xót hoàn toàn là khám phá mới của ông ta. Thực ra thì sách Tal-mút đã dạy rằng theo luật về Sdake (sự bố thí) thì phải tạo điều kiện như thế nào cho con người để anh ta sẽ không phải thiếu thốn nữa, hoặc ít nhất là trong một thời gian đủ dài. Ra-bin Abba đã truyền lại nhân danh Ra-bin Shimon Ben Lakish: “Ai cho mượn tiền (người nghèo mượn) là tốt hơn người bố thí, còn ai bỏ tiền túi mình vào vốn chung (để cho người nghèo có cổ phần trong công việc với mình) còn tốt hơn cả hai người kia.”

Theo cách hiểu của người Do-thái, mức độ cao nhất của sự thương xót là giúp đỡ người nghèo được đứng dậy trên đôi chân mình, để anh ta tự lo được cho bản thân, là điều bắt nguồn từ sách To-ra (Bộ sách Môi-se) và được các Ra-bin luận giải ra: “Nếu anh em ở gần ngươi trở nên nghèo khổ, tài sản người lần lần tiêu mòn, thì hãy cứu giúp người, mặc dầu là kẻ khách kiều ngụ, hầu cho người cứ ở cùng ngươi.” (Lê-vi 25:35).

Có thể giải thích từ “cứu giúp người” bằng một sự so sánh tương đồng như sau. Khi mà con lừa bị chất đầy gánh nặng còn đang đứng được trên chân nó, thì chỉ cần một người nắm giữ lấy nó (để giữ cho nó khỏi ngã), và nó sẽ đứng vững được. Còn nếu nó đã ngã rồi, cả đến năm người khỏe mạnh cũng không bắt nó đứng dậy được.

Khác hẳn với truyền thống của các tôn giáo khác, Do-thái giáo chẳng bao giờ tôn sùng sự nghèo khó: “Nếu đặt một bên cân mọi sự sầu khổ và đau đớn của thế gian, còn bên cân kia đặt sự nghèo khó, thì sự nghèo khó sẽ nặng hơn”.

Hãy cho tiền và giúp đỡ những người đang nghèo khó. Nhưng nếu bạn tìm việc được cho người nghèo, hoặc là dạy cho anh ta một nghề mà sẽ khiến chấm dứt sự nghèo khó của anh ta – thì bạn đã làm được một việc lớn lao.

16.Hãy bố thí ngay cả khi mình khó khăn

Ngay cả đối với những người nghèo, luật của người Do-thái vẫn buộc họ phải ban phát gì đó. Tal-mút dạy rằng: “Ngay cả người đang sống nhờ sự bố thí, cũng phải bố thí.” Các Ra-bin muốn sao cho những người nghèo không cảm thấy mình là người ăn mày khi sống nhờ vào từ thiện của xã hội, mà là những người bình thường, và cũng giống như mọi người, họ giúp đỡ người khác. Nếu người nghèo cũng bố thí, họ sẽ thôi không thương hại bản thân mình và bắt đầu hiểu rằng còn có ai đó nghèo hơn mình. Trong Tal-mút có kể lại câu chuyện rằng một thời kia Ra-bin Akiva và vợ ông nghèo đến nỗi họ phải ngủ trên rơm. Sáng dậy Akiva nhìn thấy trên tóc vợ mình sợi rơm và nói rằng: “Ôi giá như anh có thể tặng em một vương miện bằng vàng khắc chữ Giê-ru-sa-lem”. Bỗng nhiên tiên tri Ê-li chạy xộc vào, như một người đời thường và kêu lên: “Cho tôi xin ít rơm với, vợ tôi đẻ đến nơi mà tôi không có gì để lót chỗ nằm cho cô ấy.” Akiva cho ông chỗ rơm và nói với vợ rằng: “Hãy nhìn xem con người này, anh ta còn chẳng có nổi chỗ rơm mà ta có nữa.”

Ngay cả khi bắt buộc phải cắt giảm chi phí, chúng ta cũng không được từ chối không bố thí. Như trong Tal-mút dạy: “Nếu một người thấy rằng anh ta thu nhập chỉ vừa đủ cho mình thôi, thì anh ta vẫn phải bố thí.” Tại sao mitzva (điều răn) này lại quan trọng đến như vậy? Bởi vì “việc từ thiện cũng quan trọng y như mọi điều răn khác còn lại.” (một câu trích trong Tal-mút – BBT)

17.Đừng “thao túng” ý nghĩ của người khác

Một người đàn ông khá giả có lần mời một người phụ nữ trong họ hàng mình đi ăn tại một nhà hàng đắt tiền. Khi nhìn thấy hóa đơn, ông tái mét mặt: khoản tiền lớn hơn rất nhiều so với dự tính. Để ý thấy ông này đang thất vọng, người phụ nữ bèn đề nghị trả giúp một phần khoản phải thanh toán. Người đàn ông mỉm cười và đồng ý.

Nhưng thực ra bà này rất giận. Bà không ngờ rằng lời đề nghị của bà sẽ được đón nhận, và coi chuyện này như một sự bội bạc từ phía ông kia. Con trai của bà và đứa con gái nuôi khi nghe được câu chuyện này cũng ủng hộ quan điểm của bà. Họ giải thích rằng: “Bà chỉ muốn tỏ phép lịch sự thôi. Bà nghĩ rằng làm cách đó sẽ động viên được ông ta. Ông ta không được đón nhận lời đề nghị đó.”

Theo sách Tal-mút, người phụ nữ này chỉ có thể tự trách mình mà thôi.

Theo tiêu chuẩn đạo đức của người Do-thái, một người không nên đề nghị điều gì đi chăng nữa nếu anh ta có lý do nào khác để mong được từ chối. Cách hành xử như vậy được coi là Gnhevat Daat (thao túng ý nghĩ), một cố gắng lừa dối người khác, để người ta tưởng rằng mình muốn làm cho người ta nhiều hơn so với thực tế điều mình muồn làm cho họ. Trong sách Tal-mút có thể bắt gặp một số thí dụ về kiểu lừa dối đó. Thí dụ, Ra-bin Meir đã từng dạy: “Một người không nên mời bạn mình ngồi cùng ăn nếu biết rõ rằng anh ta sẽ từ chối. Cũng như vậy, anh ta không được ngỏ ý tặng quà, nếu biết trước rằng quà sẽ không được nhận.”business

Nếu như mục đích của lời mời của bạn chỉ là tỏ ra bạn là người hào phóng và thật lòng yêu mến người này như thế nào, trong khi thực tế không phải là như vậy, thì đó là bạn đang cố gắng “thao túng ý nghĩ của người khác”. Trong Tal-mút còn có một thí dụ khác. Không nên mở vại rượu nho (nói bằng ngôn ngữ hiện đại thì đó là mời thứ đồ uống hảo hạng) và nói rằng làm điều đó để tôn trọng người khách quí, trong khi thực tế không phải là vậy.

Đạo đức người Do-thái có vạch ra ranh giới giữa sự lừa dối và phép lịch sự. Thí dụ, nếu như người khác cảm ơn bạn vì bạn đã mở rượu mừng đón anh ta, thì bạn không nên nói với anh ta rằng thực ra thì đằng nào mình cũng định hôm nay mở rượu rồi. Theo luật người Do-thái, nếu người khác hiểu điều gì đó không đúng, thì đó là chính anh ta tự nhầm lẫn. Nếu bạn chỉ ra cái điều anh ta tự lầm lẫn, thì có thể lại làm phật lòng họ.

Trong Tal-mút có một câu chuyện kể về hai thầy Ra-bin, Safra và Rava, khi họ bắt gặp một nhà thông thái Mar Zutru. Tưởng rằng hai thầy Ra-bin này đi tìm mình, Mar Zutru hỏi họ rằng: “Sao các ngài lại đi đường xa xôi đến vậy (để đến gặp tôi)?” Ra-bin Safra trả lời rằng: “Chúng tôi cũng không hề biết là ông ở đây. Nếu mà chúng tôi biết chắc chúng tôi còn đi xa hơn thế nữa.” Sau đó Rava hỏi Ra-bin Safra rằng: “Sao ông lại nói thật với ông ấy thế? Ông đã làm cho ông ta ở vào tình thế khó xử.” Ra-bin Safra trả lời: “Nhưng nếu tôi không nói với ông ấy, thì chẳng phải sẽ là chúng ta lừa dối ông ấy hay sao?” Và Rava trả lời: “Không, mà sẽ là ông ấy tự lừa dối mình thôi.”

Khi tiếp xúc với người khác, chúng ta phải lịch sự nhưng phải trung thực. Nếu bạn muốn giúp thanh toán cho một hóa đơn lớn, hãy đề nghị – nhưng chỉ khi nào bạn thật lòng muốn làm thế. Nếu bạn muốn tỏ lòng hiếu khách, hãy mời mọi người đến nhà mình – nhưng chỉ khi nào bạn biết chắc là họ có thể đến được.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here