Home Sách Trực Tuyến Lạy Đức Thánh Linh Con Khao Khát Ngài – Quen thuộc với sự vinh hiển

Lạy Đức Thánh Linh Con Khao Khát Ngài – Quen thuộc với sự vinh hiển

0
Lạy Đức Thánh Linh Con Khao Khát Ngài – Quen thuộc với sự vinh hiển

Lạy Đức Thánh Linh Con Khao Khát Ngài

Tác giả: Claudio Freidzon

  1. Hun Luyn Trong Đng Vng
  2. Tiến Lên Phía Trước
  3. “Con Mun Loi La y”
  4. Sâu Hơn Trong Dòng Sông
  5. Nhng Phép L Ca Đc Chúa Tri
  6. Ch Vì Mt Chiếc Mung Nh
  7. Quen Thuc Vi S Vinh Hin Ca Đc Chúa Tri
  8.  Được Biến Nên Vinh Hin
  9. Mãi Mãi Trong S Vinh Hin
  10. Lòng Say Mê Đc Chúa Tri

QUEN THUỘC VỚI SỰ VINH HIỂN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

MẶC DẦU CÓ những dấu hiệu đặc trưng của một sự thức tỉnh thật sự ở mức toàn cầu, sự thức tỉnh ấy phải bắt đầu với bạn. Điều đó không xảy ra ngay tức khắc; mà là một tiến trình. Một mối tương giao với Đức Chúa Trời phải được triển khai.

Sách Côngvụ đầy dẫy những kinh nghiệm của một nhóm người đã được biến đổi hoàn toàn bởi Đức Thánh Linh. Phierơ là một trong số họ. Những người truyền đạo thường rất khổ sở khi nhấn mạnh đến các ưu điểm của vị sứ đồ nầy cùng với những khuyết điểm của ông theo quan điểm của Kinh Thánh. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh điều mà chính mình Chúa Cứu Thế Jêsus đã phán về Phierơ khi kêu gọi ông trở nên môn đồ của Ngài. “Ngài vừa ngó thấy Simôn liền phán rằng : Ngươi là Simôn , con của Giôna ; ngươi sẽ được gọi là Sêpha , nghĩa là Phierơ ” (Giăng 1:42).

Ngay từ lúc đầu, lịch sử Thánh Kinh đã phản ánh tính chất tiên tri của những tên được đặt cho người Ysơraên. Người Do Thái dùng tên gọi với các ý nghĩa hết sức rõ ràng cho mỗi một người. Tên Ápraham có nghĩa là “tổ phụ của nhiều dân tộc” (Sáng 17:5). Đức Chúa Trời đặt cho ông tên nầy trước khi Ysác ra đời. Mọi người đều gọi ông là “cha của nhiều dân tộc” khi gọi tên ông, dẫu họ không tin điều đó, và một số người thật sự đã cười nhạo ông.

Trong những trường hợp khác, các tên gọi xuất hiện từ những tình huống xung quanh việc ra đời. Tên Giabê có nghĩa là “đau đớn”. Bạn có thể hình dung mình bị mọi người gọi là “đau đớn” không? Mẹ của ông đã đặt tên cho ông như vậy và nói rằng: “Ta sanh nó trong sự đau đớn ” (ISu 4:9). Dầu vậy Giabê đã khắc phục nghịch cảnh do bởi tên gọi của ông, và Kinh Thánh chép rằng “ông được tôn trọng hơn các anh em mình.”

Chúa Chúa Cứu Thế Jêsus của chúng ta cũng đã nhận được cái tên của Đấng Mêsi theo lời tiên tri là Emmanuên có nghĩa là “Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta ” (Esai 7:14).

Simôn, một ngư phủ có tính khí nóng nảy, bốc đồng, đã được đặt cho một cái tên mới là Sêpha, hay là Phierơ, có nghĩa là “đá”. Vào thời điểm Phierơ được Chúa kêu gọi, cũng như vài năm đầu trong chức vụ của mình, ông dường như giống một hòn sỏi hơn là một hòn đá. Tánh khí hay thay đổi của ông và đức tin không ổn định của ông có rất ít đặc tính chung với tính cố định và vững chắc của một tảng đá. Tuy nhiên với đôi mắt đức tin, Chúa Jêsus đã công bố với Phierơ: “Còn Ta Ta bảo ngươi rằng : ngươi là Phierơ Ta sẽ lập Hội Thánh Ta trên đá nầy , các cửa âm phủ chẳng thắng được hội đó .” (Mat 16:18). Bởi vì gọi ông là một hòn đá, Chúa Jêsus đã liên kết ông với tính vững chắc và sức mạnh. Thật tuyệt vời khi Chúa đã nhìn ông như vậy! Ngài đã gọi “những sự không có như đã có rồi” (Ro 4:17)

Làm thế nào mà tiến trình nầy xảy đến với đời sống chúng ta? Làm sao chúng ta có thể được biến đổi nên như một tảng đá?

Một Mối Liên Hệ Vững Chắc

CHÚNG TA ĐANG NÓI VỀ một tiến trình mà bởi đó mỗi Cơ Đốc Nhân đều phải triển khai, một mối tương quan cá nhân với Đức Chúa Trời. Tôi không tin vào một sự thay đổi tức thì; những người nam người nữ của Chúa được biến đổi không phải bởi một sự thay đổi dữ dội hoặc một sự thay đổi đột ngột. Tiến trình sự thay đổi chỉ có thể đạt được qua quá trình tương giao.

Chúng ta thấy quá trình nầy được minh họa qua các ngụ ngôn của Chúa Jêsus về sự phát triển của nước Trời. Trong ví dụ về người gieo giống, rõ ràng là sự mặc khải của Đức Chúa Trời là tiệm tiến. (Mat 13:1-58) hạt giống (lời Đức Chúa Trời) phải rơi xuống đất tốt đã được cày xới đúng mức và được làm cho sẵn sàng để nhận lấy hạt giống. Khi hạt giống chết đi, nó vỡ ra, sự sống nứt lên, và cuối cùng bông trái xuất hiện. Điều nầy không bao giờ là một tiến trình tức khắc.

Những người nam người nữ của Chúa đều không được biến đổi bởi một sự thay đổi dữ dội hoặc đột ngột . Tiến trình thay đổi chỉ có thể đạt được qua mối tương giao .

Sự tăng trưởng thuộc linh không phát triển theo tốc độ tức khắc của đời sống hiện đại cùng với cà phê uống liền, và thức ăn ăn liền và các xa lộ cao tốc của nó. Mọi sự ngày hôm nay đều phải nhanh. Nhưng trên con đường của Chúa, không có các đường tắt. Đối với sự tăng trưởng thuộc linh, cũng như đối với mọi sự tăng trưởng, đều có một quá trình trưởng thành. Trong nước của Đức Chúa Trời chúng ta không được sinh ra là những người lớn, mà là các em bé, và chúng ta lớn lên như một đứa con ở dưới sự chăm sóc của Cha Thiên Thượng mình (Eph 4:14-16; ICo 3:1; He 5:13-14).

Quá trình nầy được minh họa trong hình bóng của đất sét trong tay người thợ gốm ở Gie 18:1-6. Cũng như người thợ gốm nắn đất sét, Đức Chúa Trời làm việc một cách tiệm tiến qua Đức Thánh Linh, để uốn nắn chúng ta theo khuôn mẫu của Con Ngài, là Chúa Cứu Thế Jêsus. Chúng ta không giống như những đồ trang sức rẻ tiền, nhái theo các đồ nữ trang thật, người ta không phải mất thời gian để làm ra. Chúng ta giống như những viên kim cương được sản xuất qua một quá trình lâu dài chịu nén ép với áp suất cao bên dưới lòng đất.

Trong trường hợp của riêng tôi, tiến trình nầy thật chậm chạp. Một số người có thể nghĩ rằng bởi việc tham gia các buổi nhóm thờ phượng hoặc có một mục sư đặt tay trên họ, đời sống họ sẽ được thay đổi tức khắc. Điều nầy có thể đúng đối với một số người, chắc chắn Chúa có thể dùng các chức vụ khác để hoàn tất công việc mà Ngài đã và đang thực hiện trong lòng chúng ta. Nhưng đối với tôi thì không như vậy. Tôi đã phải trải qua một thời gian dài chịu Đức Chúa Trời xử lý, chờ đợi, được chuẩn bị, và tan vỡ lòng mình để uốn nắn tôi cho thời kỳ mà tôi hiện sống ngày hôm nay.

Bất cứ giai đoạn nào có thể chúng ta đang trải qua trong bước đi với Chúa, đều có một sự khác nhau quan trọng giữa việc được đổ đầy Thánh Linh và chưa được đổ đầy. Phierơ đã trải qua một giai đoạn vấp ngã, thất bại và bất an. Nhưng Chúa Jêsus đã hứa với các môn đồ rằng họ sẽ được nhận lãnh quyền phép khi Đức Thánh Linh giáng trên họ, và họ sẽ trở thành những người làm chứng cho Ngài. Lời hứa ấy đã trở thành sự thật cho Phierơ tại phòng cao khi ông và những người còn lại nhóm nhau tại đó và được đầy dẫy Đức Thánh Linh. Phierơ đã sống qua kinh nghiệm tuyệt vời ấy khi “thình lình, có tiếng từ trời đến như tiếng gió thổi ào ào, đầy khắp nhà môn đồ ngồi. Các môn đồ thấy lưỡi rời rạc từng cái một, như lưỡi bằng lửa hiện ra, đậu trên mỗi người trong bọn mình. Hết thảy đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh.” (Cong 2:2-5). Kinh nghiệm ấy với Đức Thánh Linh đã đánh dấu đời sống của Phierơ từ thời điểm đó.

Phierơ đã bước đi với Chúa Jêsus trong ba năm. Ông đã sống qua những giờ phút vinh diệu nhất của chức vụ Chúa mình. Ông đã chứng kiến Chúa Jêsus chữa lành kẻ mù và quở yên biển như thế nào. Song khi ông phải đứng ra để bênh vực Chúa Cứu Thế, ông đã từ chối làm điều đó. Nhưng ở tại phòng cao khi đã nhận lãnh sự đầy trọn của lời hứa Chúa Cứu Thế, sự đầy dẫy của Đức Thánh Linh đã giúp ông trở thành một người làm chứng trung kiên.

Chúng ta không thay đổi vì chứng kiến các phép lạ và dấu kỳ . Chỉ kinh nghiệm ở tại phòng cao mới có thể biến đổi chúng ta – một kinh nghiệm cá nhân với Chúa Cứu Thế qua Thánh Linh Ngài .

Bài học thật rõ ràng. Chúng ta không thay đổi bởi được chứng kiến các phép lạ và các dấu kỳ, chúng ta cũng không thay đổi bởi vì được tham dự một buổi nhóm thờ phượng tuyệt vời. Chỉ có kinh nghiệm trên phòng cao mới có thể biến đổi chúng ta, một kinh nghiệm cá nhân với Chúa Cứu Thế thông qua Thánh Linh Ngài.

Chúng ta phải đi đến nơi Chúa Cứu Thế đang có mặt. Một ao ước nổi lên từ lòng chúng ta muốn đi đến chỗ của Chúa Cứu Thế chúng ta và là Đấng giúp đỡ chúng ta. “Linh hồn tôi khao khát Chúa ” (Thi 42:2). Chúng ta đang ở trong thế gian nầy để tìm kiếm Chúa Cứu Thế. Và Thánh Linh của Chúa Cứu Thế đưa chúng ta vào sự hiện diện của Đức Chúa Trời.

Chúa Cứu Thế Jêsus, là Đấng vì cớ tình yêu thương của Đức Chúa Cha, đã được sai đến thế gian nầy, đã tuôn đổ trong những ngày này trận mưa cuối rốt như đã hứa trong sách Giôên và Côngvụ: “Đức Chúa Trời phán rằng trong những ngày sau rốt , Ta sẽ đổ Thần Ta trên mọi người ” (Cong 2:17 xem Gio 2:28). Cơn mưa Thánh Linh nầy là điều chúng ta chứng kiến trong các trang sách nầy.

Quen Thuộc Với Sự Vinh Hiển Của Đức Chúa Trời

TRONG NHỮNG NĂM TÁM MƯƠI Ở TẠI ÁCHENTINA Đức Chúa Trời đã dấy lên một nhà truyền giáo lừng danh và gây được một ấn tượng mạnh mẽ, tên là Carlos Annacondia. Thông qua chức vụ của ông, Đức Chúa Trời đã thi hành những phép lạ lớn cặp theo với việc giảng dạy Lời Chúa.

Nhưng hiện nay đã rõ ràng rằng có một sự nguy hiểm lớn phía trước. Nhiều tín hữu đã chứng kiến những sự bày tỏ siêu nhiên trong đời sống và chức vụ của Carlos Annacondia lại phản ứng một cách khác thường trong những năm chín mươi. dường như họ đánh mất sự quan tâm đối với những sự thuộc về Đức Chúa Trời.

Carlos Annacondia thuật với tôi rằng, nhiều người trong số những người đã từng hỗ trợ các chiến dịch truyền giảng của ông, đã không còn làm như vậy nữa. Tại sao vậy, bởi vì họ đã trở nên quen thuộc với những sự siêu nhiên. Hãy nhớ rằng sự thay đổi của tấm lòng không xảy ra như là kết quả của việc chứng kiến các phép lạ và các dấu kỳ.

Thay đổi đã không xảy ra trong trường hợp những người lính đến bắt Chúa Jêsus. Khi họ tìm thấy Chúa, họ đã té xuống đất khi Ngài phán “Chính Ta đây.” nhưng sau đó họ đã đứng lên… và đã đóng đinh Ngài.

Thay đổi đã không xảy ra trong trường hợp của người Ysơraên. Đoạn 32 trong sách Xuất Êdíptô ký thuật lại một giây phút đau thương trong lịch sử của dân Ysơraên. Họ quay lưng lại với Chúa để phạm một tội khủng khiếp là thờ hình tượng bằng cách tự làm cho mình một con bò vàng để thờ lạy. Chỉ trong vòng ba tháng trôi qua, từ khi họ rời bỏ Aicập bởi một “cánh tay mạnh sức”. Khi họ rời bỏ vùng đất nô lệ đó, họ đã thấy biển đỏ rẽ ra một cách kỳ diệu cho phép họ đi qua như trên đất khô. Họ đã thấy trụ mây ban ngày và trụ lửa ban đêm, từ ngày nầy sang ngày kia. Mana từ trời đã xuất hiện trước cửa nhà họ mỗi buổi sáng; nước phun ra từ vầng đá theo lời truyền của Đức Chúa Trời. Dân sự đã sống mỗi ngày, rờ đụng các phép lạ siêu nhiên cùng những sự tỏ bày của quyền phép Đức Chúa Trời.

Trong Xuất Êdíptô ký 19 Đức Chúa Trời đã mặc khải chính mình Ngài cho dân sự trên núi Sinai “Qua sáng ngày thứ ba có sấm vang chớp nhoáng , một áng mây mịt mịt ở trên núi , và tiếng kèn thổi rất vang động ; cả dân sự ở trong trại quân đều run hãi .” (Xu 19:16).

Về sau trong nỗi sợ hãi và run rẩy, họ đã nói: “Cầu xin Đức Chúa Trời chớ phán cùng, e chúng tôi phải chết chăng.” (20:19). Sau đó một điều không thể tin được đã xảy ra. Chỉ một vài ngày sau, dân sự đã đúc một con bò vàng và thờ lạy nó! Làm thế nào mà dân sự, chỉ sau ba tháng ra khỏi Aicập và chứng kiến quá nhiều phép lạ cùng dấu kỳ được thi hành ở giữa họ, lại rời bỏ Đức Chúa Trời để phạm một tội khủng khiếp là thờ hình tượng? Bạn có khi nào dừng lại để suy nghĩ về điều đó chăng? Tôi muốn đưa ra ba câu trả lời cho câu hỏi nầy.

1. Họ đã trở nên quen thuộc với sự siêu nhiên , với sự vinh hiển của Đức Chúa Trời .

Trong Xuất Êdíptô ký 19 dân sự đã chứng tỏ lòng kính sợ trước sự hiện diện của sự vinh hiển Đức Chúa Trời trên núi Sinai. Họ đã được cảm động, nhưng sau đó họ bắt đầu quen thuộc với sự vinh hiển ấy và trở nên hờ hửng với nó. Có lẽ họ nói: “Ồ đây là điều chúng ta nhìn thấy mỗi ngày!” Ngay trước khi Môise xuống khỏi núi họ đã bỏ đức tin mình.

2. Họ xem nhẹ lời Đức Chúa Trời .

Đây là điều Chúa đã phán bảo họ: “Trước mặt Ta , ngươi chớ có các thần khác , ngươi chớ làm tượng chạm cho mình , cũng chớ làm tượng nào giống những vật cao kia , hoặc nơi đất thấp nầy hoặc trong nước dưới đất .” (20:3, 4). Nhưng họ đã phạm tội vì cớ không coi trọng lời của Đức Chúa Trời.

3. Họ không nuôi dưỡng một mối tương giao cá nhân với Chúa .

Dân Ysơraên không bày tỏ tình yêu của họ đối với Chúa theo như cách Môise đã căn dặn họ (Xem Phu 6:5; 7:9). Họ đã nói cùng Môise rằng: “Ông hãy nói với Chúa… hãy thưa với Ngài rằng… và hãy xin Ngài… ” Họ đã không tự mình cố gắng thiết lập một mối tương giao cá nhân với Chúa. Họ phụ thuộc vào một người trung gian.

Dẫu ngươi đã chối Ta , dẫu ngươi cảm thấy mình yếu đuối , Ta cũng sẽ dấy ngươi lên . Và ngươi sẽ nên như một tảng đá !”:

Hỡi các tín hữu, chúng ta hãy từ chối sống bởi đức tin vay mượn. Chúng ta đừng nương cậy nơi những Cơ Đốc Nhân khác. Chính mối tương giao cá nhân của chúng ta với Chúa và tình yêu chúng ta dành cho Ngài đến cuối cùng, mới đáng kể. Ngày hôm nay Đức Chúa Trời đòi hỏi chúng ta tìm kiếm Ngài nhiều hơn, khao khát sự hiện diện của Ngài nhiều hơn. Trong mối thông công thân mật với Chúa, chúng ta sẽ kinh nghiệm những sự thay đổi kỳ diệu.

Nếu chúng ta tìm kiếm Chúa, Ngài sẽ đổ đầy Thánh Linh Ngài trên chúng ta. Ngài sẽ phán với chúng ta như đã phán cùng Phierơ: “Dẫu ngươi đã chối Ta, dẫu ngươi cảm thấy mình yếu đuối, Ta sẽ dức dấy ngươi, ngươi sẽ nên như một tảng đá!”

Hai Phương Diện Then Chốt

VIỆC THỨC TỈNH PHẢI BẮT ĐẦU trong chính đời sống bạn. Có hai điều mà không ai khác có thể làm thay cho bạn: “1) Phải có đức tin, và 2) Khao khát Đức Chúa Trời. Những chỉ dẫn đơn giản nầy sẽ dẫn đến một kinh nghiệm của một đời sống Cơ Đốc đắc thắng. Lời Chúa dạy rằng người nào có hai điều ấy cuối cùng sẽ nhận lãnh được phần thưởng của mình.

1. Phải Có đức tin

Có đức tin là vâng lời Chúa. Là phải được đầy dẫy đức tin của Ngài, tin cậy lời Ngài, và tin cậy mọi điều Ngài hứa cùng chúng ta. Dân Ysơraên cứ tiếp tục quên những lời hứa quý báu mà Chúa đã ban cho họ. Trong Thithiên 105 chúng ta đọc thấy những phép lạ vinh diệu mà Đức Chúa Trời đã làm ở giữa họ. Nhưng Thithiên 106 cho biết thái độ của dân sự: “Họ quên Đức Chúa Trời là Đấng cứu rỗi mình , và đã có làm công việc lớn lao ở Êdíptô , những việc lạ kỳ trong xứ Cham , và các điều đáng kinh hãi ở bên biển đỏ .” (Thi 106:21-22).

Sách Hêbơrơ nói rằng họ đã bị mất đất “Vì cớ họ không tin” (He 11:6). Đức tin là một dấu hiệu đặc trưng của mỗi một người nam người nữ của Đức Chúa Trời. “Vì không có đức tin thì chẳng hề có thể nào ở cho đẹp ý Đức Chúa Trời ”(He 11:6).

Chúng ta nhận được sự sống đời đời khi bày tỏ đức tin nơi công lao của Ngài, nơi sự công bình Ngài dành cho chúng ta trên thập tự giá ở Gôgôtha. Đó là cách mà đời sống Cơ Đốc của chúng ta đã bắt đầu, và đó cũng chính là cách chúng ta phải tiếp tục.

Khi tôi đối diện cách riêng tư với Chúa, tôi đã mở lòng mình ra với Ngài và thưa rằng: “Lạy Chúa nếu Ngài thật sự yêu thương con và chăm sóc con, xin Ngài hãy ngự vào lòng con.” Và Ngài đã đến với đời sống tôi! Ngay lần đầu tiên, tôi đã nhìn thấy thế giới trong một ánh sáng khác hẳn. Tôi nhìn xem thiên nhiên và người ta với cặp mắt khác. Tôi đã được sanh lại, nhưng sự tái sanh ấy thúc giục tôi tiến đến phía trước để đạt được các mục tiêu mới, đón nhận các bước mới, và tiếp tục đi đến những giai đoạn mới. Trong sự sống kỳ diệu của đức tin ấy, Chúa đã kêu gọi tôi lên các núi mà chưa bao giờ tôi hình dung, để được ở với Ngài.

2. Hãy khao khát

Khao khát là mong mỏi Đức Chúa Trời đầy dẫy chính mình. Hãy trở thành một Cơ Đốc Nhân được xức dầu, đầy ơn phước, Chúa Jêsus đã phán: “Phước cho những kẻ đói khát sự công bình ” (Mat 5:6). Những lời nầy hàm ý việc khao khát Chúa Cứu Thế và mong mỏi sống một đời sống như cách Ngài đã sống. Điều nầy có thể được khi sự thực của nước Chúa được nhìn thấy qua cách sống của chúng ta, qua cách chúng ta nuôi dạy con cái mình, và qua cách chúng ta cư xử như thế nào trong xã hội. Đời sống chúng ta trở nên đức tin nhìn thấy được.

Một sự khao khát và mong mỏi sự vinh hiển của Đức Chúa Trời ở mức độ lớn hơn đã khiến tôi phải tìm kiếm mặt Ngài bằng cả tấm lòng. Kết quả vào năm 1992 tôi đã kinh nghiệm một sự tuôn đổ mạnh mẽ của Đấng ngự trị trong tôi.

Nhiều người tin rằng Đức Chúa Trời thường làm việc trong đời sống họ từ bên ngoài vào, nhưng Chúa Jêsus rõ ràng đã dạy rằng sông nước sự sống tuôn chảy “từ bên trong chúng ta ” (Giăng 7:38). Lời Chúa dạy chúng ta rằng “Đấng ở trong các ngươi là lớn hơn kẻ ở trong thế gian ” (IGiăng 4:4).

Có một dòng suối ở trong chúng ta, một sự sống bị khóa chặt, một con sông bị giữ lại. Để nó tuôn chảy, chúng ta cần phải bị tan vỡ, phải hạ mình, phải lệ thuộc hoàn toàn vào Đức Chúa Trời.

Trong những thời điểm như vậy Đức Chúa Trời thường kêu gọi chúng ta để cảm nhận sự không thỏa lòng, giống như người anh em nghèo thiếu đã nói: “Lạy Chúa, con cần Ngài. Con không thỏa mãn với điều con có. Con mong muốn chính Ngài và sự hiện diện của Ngài nhiều hơn. Con chưa thỏa lòng bởi vì con biết mình chỉ mới nhận lãnh một phần nhỏ của đại dương bao la.”

Có một mạch nước ở trong chúng ta … để nó tuôn chảy , chúng ta cần được tan vỡ , cần phải hạ mình …

Để bạn có thể hiểu được vấn đề nầy, hãy hình dung trong chốc lát rằng bạn đang tiếp cận một đại dương ở gần nhà mình nhất và múc lên một số lượng nước nhỏ trong một chiếc tách. Đó là sự khác nhau giữa điều chúng ta biết về Chúa và điều mà Ngài thật sự có _ chỉ là một giọt nước trong một đại dương mênh mông.

Hãy sử dụng đức tin của bạn đặt nơi Chúa và lòng khao khát của bạn đối với Chúa như là các chất xúc tác đem đến sự phục hưng trong chính tấm lòng bạn.

Hướng Đến Một Sự Thức Tỉnh Lớn

NHIỀU LẦN NHỮNG NGƯỜI tham dự các chiến dịch truyền giảng của chúng tôi đã hỏi tôi rằng: “Đây có phải là phục hưng không?” Trong quá trình hầu việc Chúa mạnh mẽ suốt ba năm qua tôi đã nhận thấy sự bày tỏ thật gây ấn tượng về các công việc của Đức Thánh Linh. Nhưng gần đây Đức Chúa Trời bày tỏ ý muốn của Ngài dành cho Hội Thánh trong các giai đoạn nầy. Như Giêrêmi đã truyền bảo: “Giêhôva phán như vầy hãy đứng trên các đường cái và nhìn xem ; tra xét những đường lối cũ , xem thử đường tốt ở đâu ; hãy đi đường ấy , thì các ngươi sẽ được an nghỉ cho linh hồn mình ” (Gie 6:16). Hội Thánh phải trở lại những con đường cũ; Hội Thánh phải trở về các nguyên tắc cơ bản của Lời Chúa. Tân ước mở ra với những mạng lệnh cơ bản của Đức Chúa Jêsus. Những nguyên tắc căn bản nầy giữ gìn sự thức tỉnh mà Hội Thánh Tân ước đã kinh nghiệm và sẽ là nền tảng của công việc Ngài trong chúng ta ngày nay.

Những con đường cũ dẫn đến sự giảng dạy về nhu cầu của sự ăn năn chân thật mà mỗi một Cơ Đốc Nhân phải bày tỏ với Đức Chúa Trời. Đức Thánh Linh mà chúng ta đã làm chứng ban phước một cách kỳ diệu cho Hội Thánh bằng những sự tỏ ra khác nhau của quyền phép Ngài. Chúng ta đã chứng kiến những người té ngã dưới quyền phép của Chúa cứ phủ phục trước mặt Ngài trước nhiều giờ đồng hồ; cả sân vận động đều vui hưởng sự hiện diện của Ngài; người ta nhảy múa và vui mừng trong sự hiện diện của Chúa. Nhưng vượt lên trên những sự bày tỏ nầy phải có những sự gặp gỡ thật sự với Đức Chúa Trời dẫn đến sự ăn năn và sự xưng tội. Chúa Jêsus đã kêu gọi con người ăn năn và sau đo là sự vâng lời, kết quả của sự ăn năn.

Bằng chứng đầu tiên của sự vâng lời là báp tem bằng nước. Sau đó, đến sự báp têm trong Đức Thánh Linh mà Giăng Báptít đã nói trước. “Song Đấng đến sau Ta có quyền phép hơn Ta … Ấy là Đấng sẽ làm phép báp tem cho các ngươi bằng Đức Thánh Linh và bằng lửa .” (Mat 3:11). Lửa là biểu tượng của Đức Thánh Linh. Lửa thanh tẩy, thiêu hóa và biến đổi.

Dưới quyền phép của Đức Thánh Linh chúng ta có thể té ngã, run rẩy hoặc cười lớn, nhưng không một biểu hiện nào trong số đó làm thay đổi chúng ta. Đức Chúa Trời thật có hành động qua những cách ấy, nhưng chúng ta không được chăm vào những sự bày tỏ như vậy. Điều sẽ làm thay đổi đời sống chúng ta chính là lửa đã giáng xuống vào ngày Lễ Ngũ Tuần, chính lửa ấy đã được tỏ rõ trong đời sống của các sứ đồ. Lửa nầy cũng được tỏ rõ trong Giêrêmi:

Trong lòng tôi như lửa đốt cháy , bọc kín trong xương tôi , và tôi mệt mỏi vì nín lặng , không chịu được nữa .(Gie 20:9)

Ngọn lửa bùng cháy nầy dẫn ta đến những con đường cũ, tức là tình yêu ban đầu của chúng ta, đến tấm lòng kính sợ những điều thánh khiết.

Trong bối cảnh của các con đường cũ, Đức Thánh Linh có thể hành động qua các dấu kỳ và phép lạ (Mac 16:17-18). Mặc dầu các phép lạ nầy có thể làm cho chúng ta kinh ngạc, chúng vẫn hiện diện trong hầu hết các cuộc thức tỉnh của Đức Thánh Linh. Trong nhiều năm chúng tôi vẫn cầu xin Chúa ban cho chúng tôi một cuộc thức tỉnh. Hẳn là khôn ngoan khi để cho một cuộc thức tỉnh làm công việc của nó theo chính cách của nó.

Chúng ta có đang ở giữa một cuộc thức tỉnh hay không? Tôi tin rằng chúng ta đã đạt đến một giai đoạn mở đầu, nơi chúng ta đã ý thức rằng Đức Chúa Trời đang thực hữu một cách mạnh mẽ trong chúng ta, một sự thực vinh diệu được bày tỏ khi chúng ta thờ phượng Ngài. Trong ý nghĩa nầy, sự vinh hiển của Đức Chúa Trời đang tự bày tỏ ra bằng một hình thức rõ ràng ở nhiều nơi trên thế giới.

Sự thức tỉnh thật xảy ra khi xã hội nhìn biết rằng Chúa Cứu Thế đang sống và bắt đầu có các quyết định thừa nhận Ngài là Chúa của các chúa. Kết quả của một sự cảm động như vậy sẽ đưa các tín hữu đến chỗ suy nghĩ hướng ra ngoài, bày tỏ lòng quan tâm đối với các linh hồn đang hư mất. Một sự cảm động như vậy sẽ không bị giới hạn đối với những sự tỏ ra, những sự chữa lành, các phép lạ và dấu kỳ; trái lại nó phải làm nẩy sinh trong Cơ Đốc Nhân một sự khao khát để cầu nguyện cho những linh hồn hư mất được biến đổi cho Chúa Cứu Thế Jêsus.

Vì vậy đây chính là mục tiêu then chốt tối hậu của chương trình Đức Chúa Trời dành cho những ngày nầy: Để mọi thứ tiếng, mọi dân tộc và mọi chi phái đều có được một cơ hội nghe và thấy một Hội Thánh sống và đầy quyền năng đang công bố Tin lành.

Một cuộc thức tỉnh sẽ đến như là kết quả của lòng thương xót Đức Cha Trời . Nó thu hút sự chú ý của chúng ta , và chúng ta nhận ra rằng Đức Cha Trời là Đấng lớn hơn các thông lệ tôn giáo và truyền thống của chúng ta .

Nghiên cứu về các giai đoạn lịch sử khác nhau thường cho thấy rằng phục hưng đến là do kết quả lòng thương xót của Đức Chúa Trời. Nó thu hút sự chú ý của chúng ta, và chúng ta nhận biết rằng Đức Chúa Trời lớn lao hơn các thông lệ tôn giáo và truyền thống của chúng ta.

Một số người có lẽ không muốn chấp nhận việc chúng ta phải giữ đúng các nền tảng Thánh Kinh để sẵn sàng trước khả năng Đức Chúa Trời có thể làm cho chúng ta ngạc nhiên bằng một sự bày tỏ mới của quyền năng biến đổi. Đức Chúa Trời thường bắt đầu công việc Ngài trước hết với Hội Thánh. Hãy nhớ rằng Đức Chúa Trời đã chuẩn bị các môn đồ trước hết, hà hơi trên họ, và truyền dặn họ phải chờ đợi trên phòng cao. Sau khi quyền phép của Ngài giáng trên họ, Ngài đã sai họ đi ra các nơi đầu cùng đất với Tin lành quyền phép của Lời Ngài. Đây chính xác là điều đang xảy ra ngày nay. Đức Chúa Trời đang chuẩn bị Hội Thánh Ngài. Ngài đang làm mới lại một tinh thần nhiệt thành và yêu thương dành cho Chúa Jêsus trong Hội Thánh. Ngài đang khôi phục lại những con đường xưa cũ – tức là nền tảng cũ – và nhấn mạnh một tinh thần thánh khiết và làm theo lẽ thật.

Gần đây tôi đã thấy những người có tấm lòng quan tâm sâu xa hơn trong việc đọc và học lời Chúa để hiểu biết Chúa rõ hơn. Quyền phép của Đức Chúa Trời luôn đem lại tình yêu lớn lao hơn đối với Chúa và đối với nhân loại hư mất.

Trong những cuộc phục hưng lớn trong quá khứ, như cuộc phục hưng của Giônathan EdWards, một tình yêu tha thiết dành cho linh hồn hư mất đã cảm động các nhà truyền đạo nài xin và than khóc cho tất cả các thành phố. Những người lãnh đạo Cơ Đốc đã tổ chức các chiến dịch, nơi có hàng ngàn trên hàng ngàn người chạy đến nơi chân Chúa. Khi một cuộc phục hưng của Đức Thánh Linh diễn ra, khi có sự khao khát Thánh Linh Đức Chúa Trời, sẽ dẫn đến một tình yêu tươi mới dành cho Chúa và những linh hồn hư mất.

Một dấu hiệu khác của sự thăm viếng Đức Chúa Trời trên dân sự Ngài là uy quyền thuộc linh mà Hội Thánh được ban cho. Trước kia, tôi chưa bao giờ thấy Hội Thánh mạnh mẽ và nắm giữ vị trí đắc thắng như vậy. Các tín hữu không còn sợ các thế lực của điều ác nữa; chúng ta đang bắt đầu chứng kiến và hiểu rằng Chúa Cứu Thế Jêsus đã chiến thắng điều ác và ban cho chúng ta uy quyền trên nước của kẻ thù. Sự tuôn đổ Thánh Linh nầy đã làm mạnh mẽ chúng ta trong lãnh vực uy quyền thuộc linh

Phục hưng có ý nghĩa nhiều hơn là các dấu kỳ phép lạ, các lời làm chứng, các sự bày tỏ khác nhau. Phục hưng là điều gì đó quan trọng hơn nhiều. Phục hưng là khao khát tìm kiếm Chúa vì cớ sự cứu rỗi của những người hư mất.

Ở tại Patagonia, Argentine, trong tỉnh Río Negro, là một thị trấn nhỏ Ingeniero Jacobazzi, có khoảng sáu ngàn dân cư. Trong thị trấn nầy, không xa San Carlos de Bariloche, Pedro Sepúlveda đã và đang phục vụ Chúa trong nhiều năm, chức vụ của ông là một gương mẫu tốt đẹp về sự xức dầu của Đức Chúa Trời phải được truyền dẫn và về những việc kỳ diệu mà Ngài làm cho những kẻ hư mất như thế nào.

Pedro Sepúlveda là một trong nhiều mục sư đã đến Buenos Aires và đã có mặt khi Chúa thăm viếng chúng tôi một cách vinh diệu vào năm 1992. Vào ngày 12 Tháng 10 năm 1992 ông đến sân vận động của câu lạc bộ Obras Sanitarias. Hôm đó thật là một ngày đầy kinh ngạc. Có rất nhiều người đến tìm kiếm Chúa đến nỗi chúng tôi phải tổ chức hai buổi nhóm. Dầu vậy đã có một số người không thể vào dự nhóm được, các đoàn đại biểu từ khắp nơi trên đất nước đã đến dự, với các xe buýt của họ đậu chật đường phố. Người ta đến rất sớm vào buổi sáng và tụ tập thành những hàng người dài nối đuôi nhau trong lúc chờ đợi tham dự buổi nhóm thờ phượng. Thật là một sự khao khát Chúa lớn lao!

Pedro Sepúlveda đã tham dự buổi nhóm và vui hưởng sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Ông đã say Đức Thánh Linh và sau đó ra về, cưu mang bầu không khí đắc thắng ấy. “Độ cao thuộc linh” của ông đã được dức dấy.

Ông trở về Ingeniero Jacobazzi vào trong những giờ đầu tiên của ngày Chúa Nhật. Ngày hôm đó, buổi nhóm thờ phượng thật sự là một buổi lễ lớn. Suốt bốn tiếng đồng hồ, họ vui mừng trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Các sông nước sự sống tuôn ra từ bên trong vị mục sư nầy, và cả Hội Thánh đều được tươi mới.

Vào một thời điểm đặc biệt trong buổi nhóm, Pedro Sepúlveda kêu gọi tất cả những người trẻ tuổi tiến lên phía trước để ông cầu nguyện cho từng người. Trong bầu không khí vinh hiển ấy. Hai hàng dài các thanh niên chờ đợi sự ban phước của Chúa. Vị mục sư đặt tay ông trên người trẻ tuổi đầu tiên trong hàng, và cả nhóm thanh niên đều té ngã dưới quyền phép của Đức Chúa Trời.

Các thanh niên trong Hội Thánh ấy đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh. Họ muốn cầu nguyện, đọc lời Chúa, và rao giảng Tin lành. Trong năm tháng, nhóm thanh niên đã tăng gấp ba.

Trong hai năm, số thành viên hội thánh đã tăng gấp đôi. Mười lăm phần trăm dân cư thị trấn đã tin Chúa và hiện đang nhóm lại với Hội Thánh ấy. Pedro Sepúlveda đã tổ chức các buổi nhóm trong một vận động trường, nơi 30% cư dân thị trấn đã tham dự. Một số các quan chức chính quyền giữ các chức vụ quan trọng trong thị trấn kể từ lúc ấy, đã trở thành các thuộc viên của Hội Thánh. Không nghi ngờ gì nữa, Ingeniero Jacobazzi biết rằng Chúa Cứu Thế đang sống! Chúa đã dùng vị mục sư nầy để đem phục hưng đến cho các Hội Thánh khác trong khu vực cũng như cho Hội Thánh ở nước láng giềng Chile.

Đã đến lúc chúng ta phải mở lòng ra để Chúa ban các trận mưa đầu mùa và cuối mùa trên đời sống mình. Đây là một giai đoạn mà GiGa 14:12 đã nói, là khi chúng ta cũng sẽ làm những việc Ngài đã làm, hãy tìm cách đi theo các kế hoạch của Chúa Jêsus và hãy sống trong sự hiệp nhất kỳ diệu mà Ngài đã cầu xin Cha trong chương thư mười bảy của Phúc âm Giăng.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here