Home Dưỡng Linh Bí Quyết Nhận Phép Lạ

Bí Quyết Nhận Phép Lạ

0
Bí Quyết Nhận Phép Lạ

Sách : BÍ QUYẾT NHẬN PHÉP LẠ

Tác giả: REINHARD BONNKE

Vùng Phép Lạ

    Các tín hữu thời Tân Ước không đi lòng vòng để thăm dò và tìm kiếm “nhận phép lạ”. Họ sống trong vùng phép lạ. Họ ở trong nước Đức Chúa Trời, và họ nhận biết cánh tay làm phép lạ của Đức Chúa Trời trong mọi tình huống. Hằng ngày các tín hữu này hiểu được Cơ Đốc Giáo là phép lạ. Đề tài phép lạ rất phổ biến trong các thư của sứ đồ Phaolô.

    Tiếc thay, điều mà lúc đó là thông thường thì bây giờ không còn là thông thường nữa. Người ta nhấn mạnh nhiều về việc tìm các phương pháp mới để nhận phép lạ đến nỗi như thể đó là một bí mật sâu thẳm. Mục đích của cuốn sách nhỏ này là cất đi sự huyền bí và trở lại với sự “đơn sơ trong Đấng Christ” (II Côrinhtô 11:3). Để rồi, chúng ta sẽ nhìn vào một phép lạ và sau đó sẽ thấy một điều gì đó lớn lao hơn.

Tiến trình dạy dỗ bắt đầu

    Chúng ta bắt đầu bằng một bài học do chính Chúa Jêsus dạy:

“24 Bấy giờ, thuyền đã ra giữa biển rồi, vì gió ngược, nên bị sóng vỗ. 25 Song đến canh tư đêm ấy, Đức Chúa Jêsus đi bộ trên mặt biển mà đến cùng môn đồ. 26 Khi thấy Ngài đi bộ trên mặt biển, thì môn đồ bối rối mà nói rằng: Ấy là một con ma; rồi sợ hãi mà la lên. 27 Nhưng Đức Chúa Jêsus liền phán rằng: Các ngươi hãy yên lòng; ấy là ta đây, đừng sợ! 28 Phi-e-rơ bèn thưa rằng: Lạy Chúa, nếu phải Chúa, xin khiến tôi đi trên mặt nước mà đến cùng Chúa. 29 Ngài phán rằng: Hãy lại đây! Phi-e-rơ ở trên thuyền bước xuống, đi bộ trên mặt nước mà đến cùng Đức Chúa Jêsus.” (Mathiơ 14:25-29).

    Khi nghiên cứu câu chuyện này, chúng ta sẽ khám phá ba yếu tố căn bản hay ba động lực của phép lạ, song trước tiên, hãy xem xét kỹ lưỡng bối cảnh.

Nơi phép lạ bắt đầu

    Khi các môn đồ đang băng qua biển hồ Galilê vào lúc trời mờ sáng, họ thấy một dáng người lướt nhanh trên mặt nước, in bóng trên nền trời đông. Họ chớp mắt. Đó có phải là ảo giác không? Nhưng cái bóng không biến đi. Đó là một hình ảnh thật, điều mà chưa có ai, kể cả họ từng thấy trước đây. Họ toát mồ hôi và la lên trong sự hoảng hốt.

    Hai phút sau lại có thêm sự kinh ngạc giữa vòng họ. Phierơ nhảy ra khỏi thuyền. Còn gì nữa, ông không chìm xuống nước như họ tưởng, mà lại đứng trên mặt nước như trên một con đường nhựa. Chân ông chạm mặt nước lô nhô chứ không làm nước tung tóe. Giờ thì có hai nhân vật đang bước đi trên sóng nước.

Hai sự kiện quan trọng

  1. Tình trạng phép lạ bắt đầu khi Phierơ còn ở trong thuyền. Ông bất chợt trở nên khác hẳn. Mới sợ đến dựng tóc gáy đây mà một phút sau ông lại dám làm điều mà chưa con người nào trước đây dám làm – đi trên mặt nước.

    Khi Phierơ thay đổi thì hoàn cảnh thay đổi. Khi ông đổi khác thì nhiều điều đổi khác. Một số người chấp nhận mọi sự như nó hiện có và đổ lỗi cho hoàn cảnh. Tuy nhiên, chúng ta biết là khi Đấng Christ bước vào đời sống một người, thì Thiên đàng thay đổi mọi sự. Hoàn cảnh có thể được thay đổi. Đó là một lẽ thật rất quan trọng trong Kinh Thánh.

    Nếu ta xem kỹ hơn câu chuyện về Phierơ, ta sẽ thấy điều gì đó còn quan trọng hơn việc hoàn cảnh của Phierơ thay đổi. Môi trường chung quanh Phierơ không có gì thay đổi. Mặt nước cũng giống y như trước. Nhưng Phierơ đã thay đổi;  ông trở nên người làm chủ tình thế. Các cuộc sóng biển vẫn dâng lên cuồn cuộn, đó là một tấm thảm vậy. Đức Chúa Jêsus cứu chúng ta và cả nhà của chúng ta – tức là cứu chúng ta và những điều quanh chúng ta nữa (Công 16:31). Phép lạ bắt đầu bên trong chúng ta và rồi ảnh hưởng đến môi trường xung quanh chúng ta. Biển cả như hăm dọa, mở miệng sủi bọt muốn nuốt chửng Phierơ, song khi Đức Chúa Jêsus gọi ông đến, ông biến nó thành một con đường thông suốt.

  1. Chính Đấng Christ đặt để môn đồ nơi họ đang ở; Ngài “truyền cho các môn đồ xuống thuyền qua bờ bên kia trước…” (Mathiơ 14:22). Tuy nhiên, thuyền “vì gió ngược nên bị sóng vỗ” (Mathiơ). Vậy khó khăn rắc rối có thể phát sinh khi, thậm chí là do chúng ta làm theo ý muốn tỏ tưởng của Chúa. Thế nhưng chúng ta phải biết chờ đợi Chúa, và để Ngài làm cho mọi sự sinh ra ích lợi (Rôma 8:28). Thật ra, Đức Chúa Jêsus vẫn đang kiểm soát hoàn cảnh lúc đó; Ngài đã thấy họ chèo chống vất vả và trên biển Galilê khi Ngài còn ở trên núi (Mác 6:47-48). Đừng lo, Chúa có tầm nhìn rất rõ ràng.

    Đức Chúa Trời không đảm bảo là chúng ta sẽ luôn gặp những lúc sóng biển yên tịnh và những cuộc hành trình hanh thông. Ngay cả Phaolô cũng từng bị đắm tàu ba lần. Các môn đồ đang chống chọi bão tố trong chiếc thuyền cũ kỹ của họ vì chính cái lý do là họ đang ở nơi mà Chúa muốn họ ở.

    Nhiều người cảm thấy vỡ mộng về chính điều này. Họ làm điều ngay lẽ phải rồi lại chịu khổ về điều ấy. Tuy nhiên, chúng ta không cần lo lắng. Nan đề đến vào lúc Chúa đặt ta ở nơi mà Ngài muốn chính là một phép lạ đang hình thành. Gió bão Galilê là thành phần đầu tiên làm nên điều kỳ diệu với Phierơ và các đồng bạn của ông.

    Chúng ta không thể nói là mọi nan đề của chúng ta đều thuộc loại này. Những khó khăn không phải khi nào cũng tỏ dấu hiệu là chúng ta đang làm theo ý Chúa. Đôi khi nó chỉ ra là chúng ta đang làm theo ý riêng của mình. Chúng ta tự đưa mình vào những nan đề. Êlipha đã nói với Gióp về điều đó: “…người ta ra đời để chịu khổ khác nào ngọn lửa hướng lên cao” (Gióp 5:7); đó là điều “thường tình” trong thế giới sa ngã của chúng ta. Và lại còn có sự hiện diện của ma quỷ nữa.

    Dẫu hoàn cảnh có do lỗi chúng ta hay không, thì tất cả chúng ta đều cần phép lạ, lúc này hay lúc khác. Đôi khi khó khăn rắc rối xảy ra cho tất cả chúng ta, có lẽ là về sức khỏe, nghề nghiệp, hôn nhân, gia đình hay một số lãnh vực khác trong đời sống chúng ta. Một số người thấy tội lỗi và sự thất bại của họ cứ lên tiếng sau lưng mình, những việc xấu xa kín giấu thì bị bày tỏ ra. Giống như các môn đồ ở trong thuyền, chúng ta có thể ngồi giữa những cơn sóng lo lắng, nhớ tới sự ám ảnh của những bóng ma – ngay cả Chúa Jêsus cũng là một phần nỗi sợ của các môn đồ. Họ cần một phép lạ, không điều gì khác có thể giúp họ.

    Cảm tạ Chúa, Ngài không muốn chúng ta sống cả cuộc đời mà không nhìn thấy phép lạ. Chương trình nguyên thủy của Ngài là, ngay cả sau khi chúng ta đã làm hết sức mình rồi, chúng ta vẫn phải nương dựa nơi Ngài để được Ngài đáp ứng những nhu cầu của chúng ta.

    Bây giờ chúng ta hãy đến với ba cơ sở của phép lạ.

ĐỘNG LỰC SỐ 1 – BƯỚC ĐI TRÊN LỜI HỨA

    Thình lình Phierơ ném đi nỗi sợ hãi như cởi bỏ một bộ đồ cũ. Thái độ thay đổi của ông làm các đồng bạn của ông đang cầm mũi lái phải ngạc nhiên sửng sốt. Điều này không chỉ là một sự bốc đồng; nó là một sự thúc đẩy. Điều đó đã xảy ra như thế nào?

    Sự việc bắt đầu từ một tiếng phán. Tiếng của một Đấng mà Đấng ấy chính là Lời của Đức Chúa Trời. Tiếng đó đã vang vọng khắp biển hồ. Đó là Đức Chúa Jêsus là tiếng đã kêu kẻ chết sống lại (Mác 5:22-24, 35-43; Luca 7:11-15; 8:41-56; Giăng 11:1-44), là âm thanh tuyệt diệu nhất từng lọt vào tai con người. Chính Ngài là Lời Đức Chúa Trời (Giăng 1:1).

    Chúa Jêsus là Lời hằng sống. Nhiều năm sau đó, khi đề cập đến Lời Chúa, Phierơ nói: “Anh em nên chú ý vào điều đó, như ánh sáng soi trong nơi tối tăm” (II Phierơ 1:19). Lời ấy biến đổi những người nam và người nữ (Rôma 8:2), làm mạnh mẽ các bàn tay mệt mỏi, làm vững đầu gối yếu đuối (Êsai 35:13; Hêbơrơ 12:12), và đặt lòng mới vào những người ngã lòng.

    Nếu chúng ta muốn nghe Lời hằng sống, thì chúng ta phải trở lại với Lời đã được viết ra. Nhiều người bỏ qua Kinh Thánh rồi chọn những cuốn sách mới nhất để học một số kỹ thuật mới. Lời Đức Chúa Trời là bí quyết đầu tiên. Phierơ biết tiếng phán của Đấng Christ, ngược lại nhiều người ngày nay đang tìm kiếm phép lạ mà không biết Lời Đức Chúa Trời.

ĐỘNG LỰC SỐ 2 – BƯỚC ĐI BỞI ĐỨC TIN

    Đức Chúa Jêsus gọi Phierơ. Lời Ngài đã có thể làm biển lặng im, nhưng thay vì thế lại làm Phierơ bình tịnh, hay đúng hơn là lời đó đã dứt dấy ông. “Chính Ta đây, đừng sợ” (Mathiơ 14:27). Nghĩa đen câu này là “TA LÀ. Đừng khiếp đảm” (tiếng Hy Lạp: ego eimi). Phierơ nhìn xuyên qua những ngọn sóng trắng xóa, và lúc đầu Chúa Jêsus là một phần nỗi sợ của ông. Rồi Ngài phán “Chính Ta đây”. Lời đảm bảo của Ngài được truyền đi trên những cơn gió. Ngài làm Chủ trên mọi sự và Ngài phán: “Chính Ta đây”.

    Phierơ nghe được tiếng Chúa Jêsus. Và vì thế mà các môn đồ khác cũng nghe, nhưng họ cứ ngồi lại trong thuyền mà không chịu bước xuống biển giống như Phierơ. Có phải họ đang chờ Chúa Jêsus làm một điều gì vì Ngài đã đặt để họ ở đó không? Có lẽ họ nghĩ “Ngài bảo chúng ta đi chuyến này, nên chúng ta phải đầu phục ý muốn Ngài”.

    Người ta rất thường có thái độ đó. Họ nghĩ Chúa đã kêu gọi chịu khổ, chịu đau đớn, và họ không có ý cố gắng thay đổi những gì mà họ tưởng là ý muốn Đức Chúa Trời. Họ viện dẫn cái dằm trong thân xác Phaolô – điều mà ông đã ba lần nài xin Chúa cho nó lìa khỏi ông (II Côrinhtô 12:7-8).

    Thế nhưng, cả Phierơ lẫn Chúa Jêsus đều không có thái độ đó. Phierơ biết Chúa Jêsus có thể và sẽ thay đổi mọi sự. Một số người có lẽ thụ động đầu hàng Số phận, cam chịu vận mệnh không thể thay đổi được, chấp nhận bất cứ điều gì xảy đến như là do trời định vậy. Đó không phải là đức tin Cơ đốc. Đức tin bất chấp Số phận! Đức Chúa Jêsus cho chúng ta biết là chúng ta có thể đánh bại bão tố, đắc thắng ma quỷ, khuất phục điều ác, thay đổi thế giới. Chính Đức Chúa Trời không hề thay đổi (Mathiơ 3:6), nhưng Ngài sẽ thay đổi những cảnh ngộ của cuộc đời.

Phierơ thách thức Chúa Jêsus hãy thách thức ông

    Phierơ biết Chúa Jêsus. Ông hỏi nhân vật đang đi trên biển và phán “Chính Ta đây” để xác quyết Ngài là ai. Ông sẽ không tin bất kỳ thần linh cũng như hiện tượng siêu nhiên nào khác. “Phải thử các thần xem có phải phát xuất từ Đức Chúa Trời không” (I Giăng 4:1). Ma quỷ có thể vận hành cách siêu nhiên. Chúa Jêsus đã đưa ra lời cảnh báo là satan muốn “lừa gạt ngay cả những người được chọn” (Mathiơ 24:24). Chắc chắn là có quyền lực của phù thủy, tà thuật, nhà huyền bí và nhiều thứ khác nữa (Mác 13:22).

    Tuy nhiên, làm sao ta biết những quyền lực này là giả tạo? Dấu hiệu phân biệt chính là sự thiếu vắng tình yêu thương của Thập tự giá: tất cả các quyền lực này đều không giải cứu ai khỏi tội và quyền lực của tội (Giăng 8:36; Rôma 8:2), và tệ hơn nữa là nó còn đem lại cảm nhận bình an giả tạo để rồi cuối cùng là sự vỡ mộng khủng khiếp.

    Một đặc điểm độc nhất vô nhị của Đấng Christ là Ngài làm chủ điều bất năng rồi biến nó thành khả thi. Vì thế Phierơ đã làm cuộc thử nghiệm. Ông biết Đức Chúa Jêsus chỉ cần truyền bảo một điều gì đó và ông, Phierơ, có thể thực hiện. Ông không la lên: “Chúa ôi, nếu thật là Ngài, hãy làm bão tố im lặng”. Phierơ đã đặt một câu hỏi liên quan đến chính mình: “Lạy Chúa, nếu thật là Ngài, xin truyền hco con đi trên mặt nước đến cùng Ngài” (Mathiơ 14:28).

    Phierơ biết Chúa Jêsus không phải khi nào cũng âu yếm vỗ về các môn đồ như một người mẹ đối với con mình. Ngài có một phương cách không dễ chịu chút nào là đưa ra lời thách thức để người ta vươn lên cao hơn chính mình. Qua việc thách thức Chúa Jêsus hãy thách thức ông, Phierơ đã đụng đến chính tấm lòng của Đấng Christ. Bất cứ sự trình bày nào về Đấng Christ mà không bày tỏ Ngài giống như thế thì không đáng coi trọng; đó là hình ảnh thiển cận về Ngài. Sứ điệp của chúng ta là: Hãy ăn năn, từ bỏ tội lỗi, tin để được cứu – đó là phép lạ cứu rỗi. Vì Đấng Christ truyền bảo chúng ta làm thế, nên điều đó có thể và sẽ xảy ra.

    Có một diễn biến bất ngờ trong câu chuyện Kinh Thánh của chúng ta. Kinh Thánh cho biết Chúa “sắp vượt qua họ” (Mác 6:48). Ngài không tỏ ra ý hướng sẽ làm bão tố im lặng. Đây là một trong những lần mà Chúa Jêsus có một chương trình toàn hảo hơn. Chúa muốn dạy các môn đồ một bài học về sự tin cậy chủ động, chứ không phải là sự thuận phục hờ hững. Ngài đã có thể vượt qua họ để đi vào bờ trong lúc họ vẫn đang chèo chống vất vả với con thuyền bị ngập nước, và khi đó sẽ không có phép lạ nào. Có phải họ muốn sự việc xảy ra như vậy không? Đức tin của họ chỉ tới cỡ đó thôi sao? Chúa Jêsus đang đến gần. Ngài biết họ ở đâu; Ngài đã đặt để họ ở đó và có một mục đích khi giữ họ ở đó. Họ có sự đáp ứng thích đáng không? Vâng, có một người.

Cơ hội phép lạ

    Nếu Chúa Jêsus, là Chúa của phép lạ, hiện ở đó và đang bước đi một cách kỳ diệu trên mặt nước, thì Phierơ sẽ không bỏ lỡ cơ hội. Nhiều phép lạ khác có thể xảy ra. Vậy tại sao lại để Ngài đi qua? Phierơ chắc chắn không chấp nhận như thế.

    Bất hạnh thay, người ta lại để Chúa của phép lạ đi qua. Nếu có một Chúa Jêsus, thì tại sao lại sống cứ như là không có Ngài? Nếu có một Cha trên trời, thì tại sao lại sống như trẻ mồ côi? Nếu có một Đấng Cứu Thế, thì tại sao chết không được cứu? Nếu có một Đấng chữa lành, thì tại sao không cầu xin Ngài chữa lành? Nếu có một Đấng Christ đầy đủ mọi sự thì tại sao lại cào bới như những con gà ở sau vườn.

    Nếu sự việc có thể diễn biến tồi tệ thì nó cũng có thể diễn biến tốt đẹp. Nếu ma quỷ có thể hành động, thì Đức Chúa Trời cũng có thể hành động. Có bao nhiêu người mong đợi điều đó? Đức tin là điều cần có trong những ngày tai họa, nhưng đó lại là lúc nhiều Cơ Đốc Nhân không còn sự tin cậy nữa. Đức tin của họ chỉ lớn lên trong các buổi nhóm đầy phước hạnh. Ở trên thuyền họ mặc áo phao vào, nhưng khi rơi xuống biển họ lại quăng nó đi.

    Phierơ đã dự phần vào phép lạ. Tại sao không, nếu Đức Chúa Trời là một Đức Chúa Trời của phép lạ? Hãy sống bởi đức tin! Đó là đời sống đúng như ý định của Đức Chúa Trời. Phép lạ đến với những ai bước đi trên con đường đức tin. Mục đích lớn lao của Đức Chúa Trời cho đời sống chúng ta là ban cho chúng ta phép lạ, khi chúng ta bước ra, nương cậy nơi Lời Đức Chúa Trời và quyền năng của Ngài. Chúng ta không thể bước đi với Chúa mà không kinh nghiệm phép lạ.

 Phép lạ là gì?

    Phép lạ là gì? – có phải chỉ là một sự kiện hiếm có, trọng đại đến nỗi làm câm miệng các nhà phê bình chăng? Nhiều người đang chứng kiến một phép lạ mà không nhận ra đó là phép lạ. Đấng Christ đã nuôi cả đám đông dân chúng bằng phần ăn trưa của một cậu bé, nhưng những người khôn ngoan học thức vẫn còn đòi Ngài phải bày tỏ cho họ một phép lạ (Giăng 6:1-13, 25-30). Đức Chúa Jêsus phán dù có người chết sống lại họ cũng chẳng tin (Luca 16:31). Tâm trí xác thịt quá u tối không lãnh hội được những điều thuộc về Đức Chúa Trời nhưng lại thừa sắc bén để lý sự về tất cả công việc của Ngài.

    “Phép lạ” trong Kinh Thánh là một từ đơn giản mang ý nghĩa “một công việc quyền năng” – đúng là như thế, chứ không phải là những trò ma thuật phi lý trong thần thoại La Mã được định nghĩa bởi từ “phép lạ” trong ngôn ngữ của chúng ta. Phép lạ là điều mà tất cả các tín hữu phải kinh nghiệm liên tục, là quyền năng của Đức Chúa Trời hành động trong cuộc đời chúng ta với đủ 365 ngày đầy phép lạ trong một năm, còn năm nhuận thì 366 ngày.

    Chúng ta không hiểu hết được mối liên hệ của một số sự kiện với Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời che giấu bàn tay của Ngài. Ngài không gõ trống khua chiêng khi Ngài làm cỏ mọc lên hoặc khi Ngài hành động cho chúng ta. Chúng ta rất thường nghe các Cơ Đốc Nhân nói về những việc ma quỷ đã làm, cứ như là ma quỷ hoạt động nhiều hơn Chúa vậy. Có lẽ satan có phong cách phô trương hơn để gây ấn tượng với chúng ta, nhưng Đức Chúa Trời thì đi thẳng vào trọng tâm vấn đề để làm trọn tấm lòng yêu thương của Ngài.

Mặt nước phép lạ

    Khi Phierơ thấy Đức Chúa Jêsus, ông thấy một phép lạ đang xảy ra. Nơi mà ông đang đi trên mặt hồ – là mặt nước phép lạ. Chừng nào Phierơ còn ở trong thuyền thì sẽ không có phép lạ. Phierơ sẽ không bỏ lỡ cơ hội phép lạ này.

    “Người công bình sẽ sống bởi đức tin” (Rôma 1:17). Có một lối sống mà sự tin cậy nơi Đức Chúa Trời sẽ đem phép lạ của Ngài đến mỗi ngày. Chúng ta có thể bám víu những con thuyền nhỏ bé chất chứa sự nghi ngờ và vật lộn với sức mạnh của thiên nhiên, hoặc chúng ta có thể bước ra với Chúa. Ngài sẽ không làm chúng ta thất vọng đâu.

    Phierơ gọi Đức Chúa Jêsus: “Lạy Chúa, nếu thật là Ngài xin truyền cho con đi trên mặt nước đến cùng Ngài” (Mathiơ 14:28). Tại sao Đức Chúa Jêsus lại đồng ý với một lời đề nghị như thế? Vì đó là Đức Chúa Jêsus. Khi bạn giao thác chính mình nơi Ngài, đó là để có một cuộc đời đầy phép lạ. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta có thể dạo bộ qua mặt hồ Erie bất cứ lúc nào mình thích thay vì đi bằng phà, cũng không có nghĩa là tỏ ra bạo dạn bước đi trên đại dương hay bắt rắn (Mác 16:18) chỉ để thử Chúa (Mathiơ 4:7; Luca 4:12). Những hành động táo bạo kểu đó cũng chẳng khác gì việc những kẻ ngoại đạo bước đi trên lửa. Đức Chúa Jêsus đã không khiến đá thành bánh đơn giản để chỉ chứng tỏ Ngài có thể làm điều đó (Mathiơ 4:1-4; Luca 4:1-4), thế nhưng Ngài đã hóa bánh ra nhiều khi những cái bao tử trống rỗng đang cần bánh (Mathiơ 14:13-21; Mác 6:30-44; Luca 9:10-17). Nước Đức Chúa Trời mở rộng cho hết thảy chúng ta. Nhưng có quá nhiều người bước qua ranh giới để vào nước đó cách sợ sệt chỉ với một chân. Phierơ đã bước vào với cả hai chân.

Mạng lệnh có thể thực hiện

    Đức Chúa Jêsus chỉ phán một lời: “HÃY ĐẾN”. Từ đó có yếu tố cần thiết đầu tiên của phép lạ: Lời Đức Chúa Trời. Về một phương diện thì Phierơ thật sự đã đi trên mặt nước, tuy nhiên nhìn từ quan điểm thiên thượng thì ông đang bước đi trên Lời Đức Chúa Trời. Ông đặt chân này trên chữ “H”, chân kia trên chữ “Ô, bước tiếp trên chữ “Y” cho đến chữ cuối cùng. Phép lạ xảy ra. Lời Đức Chúa Trời tạo dựng mọi vật và Phierơ thấy mặt nước vững chắc như đất khô. Ông đi trên những ngọn sóng to rồi bước qua những cơn sóng nhỏ mà ngay cả gót giày của ông cũng không thấm nước. Ở ngoài thuyền ông còn có thể khô ráo hơn lúc còn ở trong thuyền.

    “Vì không có điều gì Đức Chúa Trời không làm được” như lời thiên sứ Gápriên nói cùng Mary (Luca 1:37). Đức Chúa Jêsus phán: “Ai tin thì mọi việc đều được cả” (Mác 9:23). Lời Đức Chúa Trời là chỗ an toàn để chúng ta tin cậy và bước đi trên đó. Đức Chúa Jêsus muốn ghép lẽ thật ấy vào chính tính cách của chúng ta. Ngài muốn biến nó thành bản chất thứ hai của chúng ta: tin nơi Lời Đức Chúa Trời, bước ra trên Lời đó. Chúng ta có thể thực hiện những việc mà nếu không có lẽ thật đó chúng ta không bao giờ dám thử làm. Và chúng ta có thể sống cuộc sống thể hiện Lời Đức Chúa Trời trong từng bước đi. Nếu chúng ta nghi ngờ Lời Chúa, chúng ta sẽ thất bại, nhưng khi Ngài xuất hiện và phán, thì sự sợ hãi tan ra như tuyết dưới ánh mặt trời.

Môi trường phép lạ

    Những ai tiếp nhận sứ điệp Phúc Âm đều luôn ở trong môi trường phép lạ của Đức Chúa Trời. Tôi có thể nói chắc rằng 98% của một phép lạ thiên thượng là quyền năng của Lời Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời phán và đó là cách Ngài tạo dựng mọi sự: Ngài phán: “Phải có sự sáng,” thì có sự sáng (Sáng thế ký 1:3).

    Đức Chúa Jêsus phán thì cả đạo quân ma quỷ trốn chạy (Mác 5:1-20), phần một rúng động, người phung được sạch (Mathiơ 8:2-4; Mác 1:40-44; Luca 5:12-14; 17:11-14), bão tố im lặng (Mathiơ 8:18, 23-27; Mác 4:35-41; Luca 8:22-25), đám đông dân chúng có bánh ăn (Mathiơ 14:13-21; 15:32; Mác 6:30-44; 8:1-9; Luca 9:10-17). Lời của Ngài đẩy lùi những viên chức đền thờ đang tìm cách bắt Ngài. Họ phải thốt lên: “Chưa hề có người nào đã nói như người này”(I Giăng 7:46). Ngài phán với uy quyền. Hãy để mọi người nghe rao giảng Lời Đức Chúa Trời. Đó là Phúc Âm đầy quyền năng.

    Thoạt đầu, khi mới biết ý nghĩa từ “đến” do Chúa Jêsus phán, tôi nói: “Ôi Chúa, nếu con nghe được một Lời từ chính Ngài phán như Phierơ đã nghe thì con cũng sẽ nhảy ra. Thế nhưng con hiện đang sống sau đó đến 2000 năm”. Ngay lúc đó Đức Thánh Linh thì thầm trong lòng tôi: “Hãy đọc Mathiơ 11:28!” Tôi đã đọc và đây chính là câu đó: “28 Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ.”

    “Hỡi tất cả… hãy đến cùng Ta…!” Lời này dành cho mọi người, có cả bạn và tôi; không loại trừ ai cả. Bởi vì Chúa Jêsus Christ không thay đổi, quyền năng của Lời Ngài cũng không đổi thay, ngày nay phép lạ sẽ xảy ra cho tất cả chúng ta. Trên thực tế, động lực số một, Lời Đức Chúa Trời, đã tạo ra động lực số hai, động lực đức tin. “Đức tin là do nghe, và nghe là do Lời Đức Chúa Trời được rao giảng” (Rôma 10:17).

Lời Đức Chúa Trời truyền dẫn quyền năng giúp chúng ta tin Lời ấy

    Những Lời Đức Chúa Jêsus phán khiến chúng ta đặt lòng tin cậy. Những lời đó tự tạo ra thẩm quyền và mang theo sự thuyết phục bên trong nó. Chúng ta có thể quyết định tin cậy hay không tin cậy Lời ấy. Vấn đề ở đây là sự chọn lựa. Bất kỳ ai đều có thể quyết định không tin. Nghi ngờ không phải là dấu hiệu của sự khôn ngoan. Bất cứ ai cũng có thể quyết định tin. Đức tin là một quyết định; đó là vấn đề liên quan đến thái độ. Lời Đức Chúa Trời hà hơi sống vòa những linh hồn chết – nếu những linh hồn đó muốn sống. Có lời mời “hãy đến”, và chúng ta có thể đến, vượt qua biển cả nếu cần, khi Ngài mời gọi.

    Phierơ nghe và tin, nếu ông không tin, thì phép lạ có xảy ra không? Câu trả lời dứt khoát là không! Thật ra, phép lạ chỉ dừng lại khi Phierơ ngừng tin. Nhưng khi thấy gió thổi, ông sợ hãi, nên bắt đầu chìm xuống nước. Ông la lên: Chúa ơi, cứu con”. (Mathiơ 14:30). Dĩ nhiên Chúa Jêsus đã cứu ông, nhưng đó là sự hụt hẫng sau một cuộc mạo hiểm đầy đức tin như thế.

    Có đức tin là điều cần thiết để kinh nghiệm những dấu kỳ và phép lạ (Mác 16:17-18; Hêbơrơ 11:6). Đó là một phần thiết yếu của chu trình diễn ra phép lạ. Ở đây nói đến đức tin nơi Chúa Jêsus Christ, không chỉ là đức tin nơi năng lực của đức tin, mà là đức tin nơi quyền năng của Đức Chúa Trời. Đó không phải là niềm tin nơi chính chúng ta, tin rằng mình có khả năng làm việc này việc kia, hay điều gì đó kỳ lạ sẽ xảy ra, mà là đức tin nơi Đức Chúa Trời. Đức tin không đặt nơi phép lạ mà là nơi Chúa Jêsus, Đấng khiến phép lạ xảy ra – và đức tin nghĩa là vẫn tin cậy ngay cả khi Ngài không làm phép lạ xảy ra. Ngài giám sát toàn bộ tiến trình hoạt động, bởi vì Ngài chính là Đấng khởi xướng tiến trình đó và kêu gọi chúng ta dự phần.

    Có một câu chuyện, hơi giống như chuyện ngụ ngôn, cứ đọng mãi trong tôi từ những tháng ngày tôi còn học Trường Chúa Nhật. Một người nông dân đang đi thăm cánh đồng của mình, ông chợt nghe tiếng một con chuột nhắt kêu rít lên. Ông nhìn xuống và thấy một sân khấu nhỏ đang mở ra trước mắt mình. Một con rắn đã thôi miên và làm tê liệt một chú chuột. Chuột không còn làm gì được và chỉ biết rít lên. Con rắn bò tới mỗi lúc một gần hơn. Lúc ấy, câu chuyện tiếp diễn với việc người nông dân lấy chiếc khăn tay lớn của mình ra đặt giữa con rắn và con chuột. Lực thôi miên bị cắt đứt; chú chuột có thể cử động và phóng nhanh đi, nó đã được tự do.

    Đây có thể là câu chuyện của trẻ em, tuy nhiên có một điều tôi chắc chắn: Nhiều người bị tê liệt bởi linh của sự sợ hãi. Đó là quyền lực thôi miên của “con rắn cổ đại, là quỷ vương, tức satan” (Khải 20:2). Người ta lo lắng về bệnh tật và sự chết. Chúng ta lắng nghe các chuyên gia về y học rồi bắt đầu khiếp sợ và than vãn. Nỗi sợ khiến chúng ta bất động, nó đánh gục chúng ta. Sự buồn khổ giống như một cái hàm mở to muốn nuốt chửng chúng ta.

    Và rồi Lời Đức Chúa Trời đến – “Chiếc khăn tay lớn của Đức Chúa Trời” được đặt xuống giữa chúng ta và nỗi khiếp đảm hay làm chúng ta bị thôi miên, tê liệt và ám ảnh đó. Lời Đức Chúa Trời tạo ra niềm tin và hy vọng mới, nếu chúng ta chấp nhận điều đó. “Vậy, nếu Đức Chúa Con giải phóng các ngươi thì các ngươi mới thật sự được tự do” (Giăng 8:36).

    Chúng ta có thể có niềm tin nơi các bác sĩ hay các chuyên gia y khoa. Họ nói trong lĩnh vực tri thức chuyên biệt của họ; họ chỉ đưa ra những quan điểm về y khoa, và đôi lúc những quan điểm thứ hai: Lời Đức Chúa Trời. Thông thường thì những dữ kiện về y khoa được giải thích cô lập, không liên hệ gì đến hoàn cảnh bệnh nhân. Theo một ý nghĩa xác thực nhất thì điều đó không có khoa học tí nào cả. Tất cả dữ kiện phải được xem xét và một trong các dữ kiện này là đức tin của bệnh nhân nơi Lời Đức Chúa Trời phán.

    Đức tin là tin nơi Đức Chúa Trời hơn là tin vào cảm giác và trí hiểu của chúng ta. Đức tin thật bao giờ cũng được đặt nơi ai đó – nơi Chúa Jêsus, nơi những gì Ngài đã phán, đang phán và nơi những gì Ngài đang làm. Người ta thường tạo ra những khó khăn trong việc tin cậy Đức Chúa Trời. Có đứa trẻ nào gặp khó khăn trong việc tin người lớn bế nó trong tay không? Có đứa trẻ bốn tuổi nào nói: “Cháu không biết cháu có đủ đức tin để cho chú bế cháu không?” Con trẻ không có những ý tưởng như thế, chỉ có người lớn mà thôi! Một đứa trẻ không biết gì về niềm tin, nhưng thực hành niềm tin. Càng có đức tin, chúng ta càng ít để ý đến nó. Nói cho cùng, đức tin không là cái gì cả; nó chỉ là để Đức Chúa Trời làm những gì Ngài phán Ngài sẽ làm.

    Thật ra, động lực đầu tiên của phép lạ, tức là Lời Đức Chúa Trời chiếm 98% trong phép lạ, và đức tin chỉ chiếm 1% thôi. Đức tin là cánh tay bởi đó chúng ta đón nhận những gì Đức Chúa Trời ban cho. Đó là tất cả những gì cần phải có.

    Chu trình quyền năng – phép lạ gần như đã khép kín, nhưng vẫn còn một điều nữa – đó là 1% còn lại.

ĐỘNG LỰC SỐ 3 – HÀNH ĐỘNG VÂNG LỜI

    Bây giờ, Phierơ nghe lời của Chúa Jêsus và tin lời đó. Thế nhưng không có phép lạ nào xảy ra. Còn thiếu một điều gì đó. Mắt xích còn thiếu ở đây là gì?

    Bí quyết cuối cùng là vâng lời, hay hành động. Phierơ phải nhảy ra khỏi thuyền. Ông ra khỏi thuyền đến với Chúa. Ông đã nhảy vào phép lạ.

    Điều này giải thích được nhiều việc. Nó chỉ ra một vấn đề khá phổ biến. Tại sao lại có quá nhiều Cơ Đốc Nhân tốt lại không bao giờ kinh nghiệm cách cá nhân quyền năng thực hiện phép lạ của Đức Chúa Trời trong đời sống họ? Họ trung tín ngồi trong ghế nhà thờ, lắng nghe những diễn giả hay nhất giảng dạy, thậm chí họ còn khóc lóc, kêu cầu và xưng nhận “Chúa ơi, con tin”. Họ nghe Lời Chúa và tin lời ấy. Rồi gì nữa? Họ không ra khỏi thuyền để đến với Chúa. Họ chỉ ngồi đó, mong chờ Chúa Jêsus làm một điều gì đó. Họ cứ ngồi đó, cầu nguyện “Chúa ôi, xin hãy ban quyền năng”, và Ngài đã đi qua khỏi thuyền của họ.

    Nếu chúng ta muốn mọi sự xảy ra, chúng ta phải ra khỏi thuyền và bước đến với Chúa Jêsus, vượt lên trên sóng nước. Ngài đang gọi chúng ta. Ngài không nói: “Hãy giữ chắc đó. Ta sẽ đến ngay và vào thuyền cùng với các con”. Ngài phán “Hãy đến”. Đến đâu? Trên mặt nước chăng? Vâng, đó là nơi phép lạ xảy ra.

    Con thuyền có thể là biểu tượng về những quan niệm hạn hẹp của chúng ta. Chính chúng ta tự tạo ra chúng. Chúng ta thâu thập chúng để tạo ra “một mớ” giáo điều, tạo thành hàng đống sách vở, hàng khối bài giảng và một lô chuyện tích, giống như những con chim tha rơm rạ để làm tổ cho nó: “Thời đại phép lạ đã qua rồi”; “Chúa muốn tôi mang bệnh vì Ngài muốn tôi học một điều gì đó” – đó là tổ, là thuyền đó. Nhiều người chèo chống những con thuyền bé nhỏ dễ chịu đó một cách thỏa lòng suốt nhiều năm, tin rằng cuối cùng rồi họ cũng tới bờ. Họ thỏa mãn trong việc lắng nghe lời chứng hay nhìn thấy quyền năng thực hiện phép lạ của Đức Chúa Trời trong đời sống những người khác, nhưng nếu họ ra khỏi thuyền để đến với Chúa, thì chính họ có thể bước đi trên mặt nước phép lạ.

    Khi Phierơ ra khỏi thuyền, ông làm chiếc thuyền chòng chành. Để thấy Đức Chúa Trời hành động, chính chúng ta phải hành động, dầu chúng ta có làm thuyền chòng chành hay không. Đừng lo về những người nghi ngờ, là những người chúng ta có thể làm họ cảm thấy khó chịu. Nếu chúng ta chỉ sống an nhàn trong một tập thể không có thách thức, nơi không có sự vâng lời thật bởi đức tin, giờ là lúc chúng ta phải nhảy ra khỏi đó, khỏi quan điểm con người và đến với Chúa Jêsus trên mặt nước phép lạ.

    Hãy nhảy! Chúng ta “sẽ không chết đâu mà sẽ sống để công bố những công việc của Chúa” (Thi Thiên 118:7). Kierkegaard, một nhà tư tưởng và là một tác giả về tôn giáo, nói rằng đức tin giống như là bước nhảy vào trong bóng tối, nhưng thực ra nó không phải là như thế. Đức tin là bước nhảy ra khỏi bóng tối để vào ánh sáng. Người mù nhảy ra khỏi sự tối tăm của mình để đến ao Silôê và sự sáng đã soi rõ tầm nhìn của ông (Giăng 9). Nước biển sẽ không nuốt mất chúng ta đâu, nhưng nó sẽ nâng chúng ta lên, như nước lụt đã đưa thuyền của Nôê là người có đức tin đi, trong khi đó lạ nhận chìm cả thế giới của những kẻ nhạo báng.

    Bọt nước biển trắng xóa đang gầm gừ, gào thét và đập vào thuyền của Phierơ, thình lình nó lại trở thành những con ngựa mang ông đến với Chúa Jêsus. Hủy diệt chúng ta chăng? Chúa Jêsus đã hủy diệt sự hủy diệt tại Thập tự giá. Ngài không đến để cõng chúng ta đi. Ngài chỉ mỉm cười, vẫy gọi chúng ta và phán: “Hãy đến”.

    Vâng lời là cắm dây vào ổ điện và năng lực bắt đầu hàng động. Đó là mạch nối cuối cùng. Hãy nhớ lời Smith Wigglesworth đã nói với một vị giám mục hay nghi ngờ, bảo thủ: “Sách Công Vụ Các Sứ Đồ được viết bởi vì các sứ đồ đã thi hành công vụ”.

    Vậy chính chúng ta cũng hãy viết thêm một vài chương nữa!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here