Home Khám Phá Lịch Sử Hội Thánh – Những Giáo Phụ Của Hội Thánh

Lịch Sử Hội Thánh – Những Giáo Phụ Của Hội Thánh

0
Lịch Sử Hội Thánh – Những Giáo Phụ Của Hội Thánh

Lịch Sử Hội Thánh

Phần II: XÁC NHẬN VÀ BẢO VỆ NIỀM TIN

(Năm 100 Đến 300)

Những Giáo Phụ Của Hội Thánh

Đang lúc Hội Thánh chống cự với các tà giáo, và tìm cách đứng vững trước cơn bắt bớ, Hội Thánh đã đào tạo ra một số người thánh thiện viết sách. Những sách này làm thành nền văn chương Cơ-Đốc trong những thế kỷ sau thời kỳ các Sứ Đồ. Những Giám Mục, thần học gia, giáo sư, các học giả này có trí thức cao, phán đoán giỏi lại thông thuộc kinh điển. Họ đưọc gọi là những Giáo Phụ của Hội Thánh và sự dạy dỗ của họ được coi là có uy tín về đức tin cũng như về đời sống thực tế. Sách của họ cho chúng ta biết nhiều điều vô giá về truyền thống và niềm tin Cơ-Đốc, về lịch sử Hội Thánh và về truyền thống và niềm tin Cơ-Đốc, về lịch sử Hội Thánh và sự hình thành Tân Ước. Sách của họ trích nhiều từ các bản Tân Ước đầu tiên cho nên giúp rất nhiều cho các học giả sau này trong việc nghiên cứu bản văn Tân Ước. Những sách của họ viết có thể đến hàng chục cuốn.

Những Giáo Phụ Hội Thánh được gọi là những “Giáo Phụ sau thời Sứ Đồ’ thì đúng hơn, là vì họ đã quen biết hoặc gặp gỡ chính các Sứ Đồ hay là các môn đệ gần cận của các Sứ Đồ. Có những văn bản của các Giáo Phụ nói trên viết đồng thời với những sách hiện nay dùng trong Tân Ước. Tân Ước có lúc gồm cả “thư của Barnabas ‘ ‘Đấng Chăn Chiên của Hermas ‘ thư ‘I Clement và II Clement ‘. Hai tài liệu thứ nhất tìm thấy trong sách Codex Sinaiticus. Hai tài liệu sau tìm thấy trong sách Codex Alexandrinus, vào thế kỷ thứ năm. Phần đông các Giáo Phụ không phải là những người giỏi văn chương. Cũng như Phao-lô, họ viết để đáp ứng nhu cầu khẩn cấp lúc bấy giờ, bởi vậy họ viết ra những tài liệu đầy nhân tính, bày tỏ tâm tình họ đối với Cơ-Đốc Giáo.

Các văn bản của các Giáo Phụ một số được liệt kê dưới đây :

1. ‘Bức thư của Barnabas ‘ : do một giáo sư vô danh viết khoảng các năm 78 – 120. Nội dung sách luận rằng Co Đốc Giáo siêu việt hơn Do Thái giáo và khuyên dạy về đạo đức.

2. ‘Hai bức thư của Clement ‘ bức thư thứ nhất, (I Clement) có lẽ do 1 Giám Mục đầu tiên của La Mã, môn đệ của Phi-e-rơ. Đó là một thư chính thức viết vào năm 96 của Hội Thánh La Mã gửi Hội Thánh Cô-rinh-tô nói đến ba trách nhiệm trong sự hầu việc. Bức thư thứ hai (II Clement) viết vào khoảng năm 120 – 160 là một bài giảng về các đề tài đạo đức, không rõ tên người viết.

3. ‘Bảy bức thư của Ignatius ‘ giám mục An-ti-ốt (Antioch) viết vào năm 110 nói về hành trình đi La Mã của ông để chịu tử đạo.

4. ‘Bức thư của Polycarp ‘ do Giám mục Hội Thánh Si-miệc-nơ (Smyrna) viết gửi Hội Thánh Phi-lip vào năm 115. Ông hỏi thăm số phận bạn ông là Ignatius. Sự quan trọng của Kinh Thánh trong Hội Thánh ban đầu được ghi lại qua mấy lời ông viết :’Tôi tin tưởng anh em rất am tường Kinh Thánh’

5. ‘Sự Tử đạo của Polycarp ‘ viết vào năm 155 do một người đã tận mắt chứng kiến vụ hành hình giám mục Polycarp tại Smyrna.

6. ‘Đấng Chăn chiên của Hermas ‘ là một sách Khải Thị, khuyên dạy về đạo đức do Hermas một Cơ-Đốc nhân La Mã viết. Ông này có thể là anh em với Giám mục tại La mã vào năm 140.

7. Sách ‘Lời dạy của 12 Sứ Đồ ‘ giảng về đức tin Cơ-Đốc, sự thờ phượng và hầu việc, viết vào năm 90.

8. ‘Những bản văn của Papias ‘ vào năm 145 vị Giám mục này ở Hieropolis, góp nhặt những lời dạy quý báu của tất cả những ai đã biết Chúa Giê-xu. Hai câu sau đây ta thường gặp, là do Papias viết :’Mác nhân được trở thành người thông dịch của Phi-e-rơ đã chép ra chính xác mọi điều ông nhớ được’. Và Ma-thi-ơ sắp xếp thứ tự lại những lời phán của Chúa bằng tiếng Aramaic mà ‘mọi người giảng giải theo khả năng thông hiểu của mình’

9. ‘Bức thư gởi Diognetus ‘ viết hồi nào không được rõ, tác giả cũng vô danh, đã mô tả Cơ-Đốc nhân như là ‘linh hồn của thế giới’. Trong thư có nói rằng : ‘họ cũng giống như mọi người khác, họ theo phong tục địa phương, ăn, uống như mọi người. Họ lấy vợ lấy chồng, có con, nhưng không giết trẻ con. Họ sống trên đất, nhưng quê hương của họ ở trên trời. Họ vâng theo luật pháp tùy nơi họ ở và vượt lên trên luật pháp trong nếp sống riêng của họ’

Trong thế kỷ thứ 2 và thứ 3, khi các Giáo phụ Hội Thánh bảo vệ niềm tin chống lại tà giáo, có nhiều người trình bày những phương diện trí thức của Cơ-Đốc Giáo cho số người ngoại có học thức. Sự cố gắng đó đem lại kết quả khiến Hội Thánh thắng cuộc trong cuộc tranh chấp chống ngoại đạo đa thần, bởi vậy những người Cơ-Đốc viết sách nối tiếp nhau trong thời vàng son của văn chương các Giáo Phụ, có cơ hội nghiên cứu các vấn đề thần học và giải bày kinh điển.

Dưới đây là danh sách 6 vị Giáo Phụ Hội Thánh danh tiếng nhất trong thế kỷ thứ 2 và thứ 3:

  • Justin ‘người tử đạo’ (100-165)
  • Irenaeus (120-200)
  • Clement ở Alexandria (150-215)
  • Tertullian (160-230)
  • Cyprian (220-258)
  • Origen (182-251)

1. Justin Martyr (100-165) sinh tại Shechem xứ Samaria xưa, sau trở thành một triết gia Hy Lạp. Đang khi ông nghiên cứu triết học Plato, ông bắt đầu chú ý đến các tiên tri Do Thái và ‘những người đã làm bạn hữu của Chúa Christ’ và tin rằng những lời giảng của họ về ‘ban đầu và cuối cùng của mọi sự’ là thật. Ông thành tâm tin rằng Cơ-Đốc là triết học xưa nhất, chân thực nhất và cao siêu nhất. Khi ông du hành đây đó giảng dạy, ông choàng bộ áo triết gia là dấu hiệu về nghề nghiệp ông. Ông thành lập một trường học tại Lã Mã ở đó ông diễn thuyết về đức tin và đạo đức và ông giảng dạy kinh sách. Một trong những học trò của ông là Tatian, sau này viết sách ‘Bốn Tin Lành làm một ‘ Diatessaron. Chính ông viết sách ‘Biện Hộ ‘ (Apology) và ‘Đối thoại với Trypho ‘ trong đó ông bênh vực Cơ-Đốc Giáo chống lại những chỉ trích của người ngoại, những phản đối của người Do Thái và những lời lên án của chính quyền. Ông tử đạo ở La mã nên người ta kêu ông là Justin ‘người tử đạo’.

2. Irenaeus (120-200) nhà thần học vĩ đại thứ nhất và là Giáo Phụ đầu tiên sắp xếp thứ tự tất cả những điều dạy dỗ Cơ-Đốc thành hệ thống. Sách chính của ông là quyển ‘Chống lại các tà giáo ‘; , trong đó ông viết ‘ Chúa Christ là giáo sư duy nhất chân thực và vững chải, là lời Đức Chúa Trời , Chúa Giê-xu Christ chúng ta, bởi tình thương siêu việt của Ngài, thật đã trở thành như chúng ta có thể đem chúng ta lên đến bậc giống như Ngài. Ông là một trong những người đầu tiên xác nhận những bản văn Cơ-Đốc viết theo sự dạy dỗ của các Sứ Đồ cũng ngang uy tín và giá trị như kinh điển Cựu Ước.

3. Clement ở Alexandria (15-215) là viện trưởng thứ hai viện Kinh Thánh ở Alexandria. Trường học danh tiếng này gần giống như một đại học Cơ-Đốc cho những người mới tin cũng như những người đã giỏi về kinh điển. Clement khuyên những người mới tin nên đọc Kinh Thánh ở nhà trước bữa cơm chính trong ngày. Ông cũng khuyên những cặp vợ chồng nên đọc chung với nhau. Clement là người đầu tiên kết hợp triết học Plato với Cơ-Đốc Giáo. Ông đã nhớ đến GaGl 3:24-24 khi viết ‘triết học được ban cho người Hy Lạp, cho đến lúc Chúa kêu gọi người Hy Lạp. Bởi vì đây là một thầy giáo đã đem tâm trí người Hy Lạp cho Đấng Christ cũng như luật pháp đã đem ngưòi Do Thái đến với Ngài’.

4. Tertullian (160-230) người bênh vực niềm tin hăng say nhất thời kỳ này, sinh tại Carthage ở Bắc Phi, ông làm luật sư, tin Chúa tại La Mã vào năm 190, là người tín đồ Cơ-Đốc đầu tiên viết bằng tiếng La Tinh. Sách ‘Biện hộ’ viết bằng thể văn mạnh mẽ, dễ đọc, bày tỏ học vấn rộng rãi của ông và chứng minh khả năng ông có thể giảng về Cơ-Đốc Giáo cách minh bạch và chính xác. Ông trình bày những ý niệm Cơ-Đốc một cách gọn ghẽ và gay ấn tượng sâu sắc. Ông đã viết những câu này : Tín đồ Cơ-Đốc không được sinh ra, song được sinh lại. ‘Đức tin không sợ chết đói; , ‘Huyết những người tử đạo là hạt giống của Hội Thánh’ ông ghi chép những nổ lực truyền giáo miền xa kể cả những khu ở Mê-sô-bô-ta-mi (Mesopotamia), Ba Tư và biên thùy An Độ, nhưng ông quen thuộc nhiều hơn vói những Hội Thánh Bắc Phi, Tây Ban Nha và Pháp. Ông viết: ‘Những nơi nào rên đất Anh mà người La Mã không đặt chân tới đều lệ thuộc luật pháp Đấng Christ’. Đó là lời ghi chép xưa nhất cho chúng ta biết khoảng năm 200 đã có những giáo sĩ Cơ-Đốc tại Anh Quốc.

5. Cyprian (220-258) là một người giàu có, nhiều học thức, làm giám mục tại Carthage. Ông là một trong những người lãnh đạo Hội Thánh có uy quyền nhất. Khi lớn tuổi ông mới tin Chúa, ông nổi tiếng giúp Hội Thánh đặt ra một chính sách đối với những tín đồ vấp ngã, do yếu đuối đã từ chối Chúa để khỏi tử đạo. Ông khuyên Hội Thánh nên cho những tín đồ ấy một cơ hội thứ hai. Chính ông cũng phải trốn chạy trong một cơn bắt bớ. Tuy nhiên 8 năm sau khi gặp lắp thử thách ông đứng vững trong đức tin và tử đạo.

6. Origen (182-251) nhà thần học vĩ đại nhất thuở ban đầu. Sinh tại Alexandria, cha mẹ tin Chúa, khi ông còn nhỏ đã được dạy dỗ về Kinh Thánh. Khi cha ông tử đạo ông muốn chịu tử đạo theo để làm chứng lần chót về Chúa Christ, nhưng mẹ ông ngăn cản. Khi 18 tuổi ông trở thành viện trưởng trường Kinh Thánh, trường dạy theo lối vấn đáp ở Alexandria là trường có một số người lãnh đạo danh tiếng các Hội Thánh Đông Au theo học. Làm giáo sư ông không lấy học phí của sinh viên, nhưng chép tay những kinh điển để kiếm tiền, ông sống một đời sống thanh bạch. Sau này ông đổi đến Caesarea tại Palestine và ông lập một trường học danh tiếng, sử gia Eusebius đã theo học tại đó.

Về phương tiện nghiên cứu, ông giỏi trong nhiều lĩnh vực, quyển sách ‘Bàn về Những Nguyên Tắc Đầu Tiên ‘ viết trước năm 231, theo lời tác giả Wiliston Walker, không những là quyển đầu tiên giới thiệu Cơ-Đốc Giáo một cách mach lạc xuất sắc, mà những tư tưởng và phương pháp trong đó đã định lượng cả đà phát triển tín điều Hy lạp’ . Quyển ‘Chống lại Celsus ‘ là ‘bản văn bênh vực niềm tin Cơ-Đốc có những lý lẽ sâu sắc nhất mà thế giới xưa đã để lại’. Còn hơn 600 bộ sách khác được người đương thời gán tên cho ông, coi ông là một nhà viết văn Cơ-Đốc sáng tạo và dồi dào nhất giữa Phao-lô và Augustine.

Ông cũng là một người đi tiên phong trong việc nghiên cứu lịch sử cũng như các văn bản Kinh Thánh. Cùng với các học trò tại Sê-sa-rê (Caesarea) ông so sánh nhiều bản văn Tân Ước thời đó, hơi khác nhau, hy vọng tìm ra chính nguyên bản như thế nào.

Hơn nữa ông cũng dùng khả năng bao quát của mình, tra cứu Cựu Ước và với sự phụ họa của đồng bạn viết ra quyền sách nổi danh Hexapla sau 20 năm công phu cực nhọc. Quyển sách này đã ghi lại phương pháp phê phán văn bản. Sách trình ra 6 bản Cựu Ước để so sánh và nghiên cứu. Mỗi trang sách Hexapla chia làm 6 cột. Cột một chép văn bản Do Thái mà Origen đã nhận được do các giáo sư Do Thái để lại. Cột hai là bản âm bản văn ấy ra tiếng Hy Lạp. Cột 3, 4 và 6 chép ba bản dịch khác ra tiếng Hy Lạp do Aquila, Symmachus và Theodotion dịch. Cột 5 là chính những lời phê phán của Oriten về bản Septuagint (ở cột hai)

Sách Hexapla khó có thể chép lại toàn bộ vì dày những 6500 trang, nhưng vẫn được lưu tại thư viện của Origen tại Caesarea, trong vòng 400 năm tiếp đó. Các học giả Cơ-Đốc thường đến đó tra cứu. Khi người Hồi chiếm Palestine vào t hế kỷ thứ bảy thì sách đó mất. Nhân việc tìm thấy những cuốn sách tại Hắc Hải vào năm 1947, người ta cũng thấy một số khác đựng trong các bình đất nung đặt trong một hầm mỏ tại Giê-ri-cô (Jericho). Những tài liệu trên đây cho chúng ta biết ý kiến của Sử Gia Eusebius (thế kỷ thứ tư) khi bình luận về sách Haxapla của Origen. Ông nói :’trường hợp một trong những này (văn bản Thi Thiên được chép lại trong sách Hexapla) Ông Origen nhắc lại rằng người ta đã tìm thấy nó tại Jericho đựng trong một cái lò vào thời Hoàng Đế Antonius, con Hoàng Đế Severus (khoảng 211)’

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here